17.10.13

Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực



Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Báo Người cao tuổi có hàng loạt bài phóng sự, phanh phui những sai phạm nghiêm trọng tại Quận 2, sau đó trang mạng của báo bị tin tặc đánh phá, gỡ bỏ hết các thông tin , phóng sự về Khu Đô thị mới Thủ Thiêm . Ai là người có sức mạnh bịt miệng các Báo lề phải ? Ai là người phá nát quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM ? Ai là người lợi dụng chức quyền cướp nhà và đất của dân nghèo ? Kính mời theo dõi loạt bài phóng sự sau sẽ thấy gương mặt tham ô nhất  CHXHCN Việt Nam,  nhưng không ai dám bắt con sâu chúa lớn nhất này :
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10524


Pháp luật

(Thứ Ba, 01/10/2013-8:43 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực

Kì 1: Những căn cứ pháp lí xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm

Trên 14.500 hộ dân đang sinh sống ổn định, đành ngậm ngùi bỏ xứ ra đi để giao nhà, giao đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT), một dự án lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996. Sau 17 năm, khu đất vàng này bị bỏ hoang, quy hoạch bị xé nát do UBND thành phố "cấp phát" đất cho 64 doanh nghiệp. Tiêu cực xảy ra quá nhiều, gần 3.000 nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch bị cưỡng chế, nhà cửa đập phá tan tành. Hơn 11.000 đơn khiếu kiện kéo dài, một số người chết oan do hành vi cưỡng chế trái phép. Với 38.000 tỉ đồng tiền hỗ trợ di dời đã được giải ngân Nhà nước phải mất 150 tỉ đồng tiền lãi/ tháng. Nguyên nhân dẫn tới nhiều nỗi đau cho hàng chục nghìn hộ dân là do hành vi làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ!...
Ngày 16/1/1993, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 20/TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Hồ Chí Minh: "Cần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thành phố văn minh của nhân dân lao động, thể hiện được tính ưu việt của chế độ và nguyện vọng của nhân dân cũng là nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh." Điều 2 quyết định này chỉ rõ: "Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố để tập trung đầu mối trong quản lí xây dựng tại thành phố. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh và ban hành điều lệ quản lí xây dựng thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở quản lí xây dựng tại thành phố bảo đảm việc xây dựng theo đúng quy hoạch đã được duyệt".
Ngày 27/5/1996, UBND thành phố Hồ Chí Minh có tờ trình số 1861/TT-UB-QLĐT gửi Thủ tướng Chính phủ "xin phê duyệt quy hoạch xây dựng (1/5000) khu đô thị mới Thủ Thiêm". Căn cứ tờ trình và văn bản đề nghị số 621/BXD-KTQH ngày 15/5/1996 của Bộ Xây dựng, ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 367/TTg "phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh". Nội dung quy định: Quy mô khu ĐTMTT có tổng diện tích 930 ha, trong đó: Khu đô thị mới 770ha. Khu tái định cư: 160ha. Về quy hoạch phân khu chức năng quy định 770ha bao gồm 133ha mặt nước sông Sài Gòn và 637ha đất được phân ra: Khu Trung tâm Thương mại, Tài chính Dịch vụ: 92ha; Khu Trung tâm Hội chợ, Triển lãm quốc tế 100ha; Khu nhà ở cao cấp 55ha; Khu Trung tâm Văn hóa, Du lịch, giải trí 100ha; Công viên Trung tâm 95ha; Khu Trung tâm hành chính 18ha; đất dành cho giao thông 177ha. Khu tái định cư 160ha nằm giáp ranh khu trung tâm ĐTMTT. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khu ĐTMTT: Lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định; Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt; Ban hành Điều lệ quản lí xây dựng khu ĐTMTT.
Ngày 6/1/1997, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 03/ CP "Về việc thành lập quận Thủ Đức, quận 2, quận 7, quận 9, quận 12 và thành lập các phường thuộc các quận mới TP Hồ Chí Minh". Quận 2 gồm 11 phường, trong đó một phần đất của 5 phường nằm trong khu ĐTMTT (phường An Phú 1.042ha, 6.724 nhân khẩu; phường An Khánh 169ha, 12.865 nhân khẩu; phường Bình Khánh 226ha, 6.580 nhân khẩu; phường Bình An 169ha, 6.774 nhân khẩu; phường Thủ Thiêm 135ha, 9.325 nhân khẩu; phường An Lợi Đông 385ha, 5.068 nhân khẩu).
Căn cứ điểm 1, Điều 5, Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở và quyết định số 4246/QĐ-UB-QLĐT ngày 15/12/1994 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố; xét đề nghị của UBND quận 2 tại công văn số 817/CV-UB-QLĐT ngày 25/12/1997; xét tờ trình số 98/KTST-QH ngày 3/1/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố về việc quy hoạch điều chỉnh… quận 2 TP Hồ Chí Minh, ngày 15/10/1998 UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 255/ QĐ-UB-QLĐT, Điều 1 ghi rõ: "Duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận 2, TP Hồ Chí Minh, theo danh mục đính kèm có 6 khu vực không bán, trong đó có khu vực quy hoạch khu ĐTMTT. Tại Điều 2 quy định: "Phạm vi các khu vực không bán nhà của quy hoạch điều chỉnh theo sơ đồ quy hoạch do Viện Quy hoạch Xây dựng lập có sự thỏa thuận của UBND quận 2". Tuy nhiên, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh quy định như vậy nhưng trên thực tế thì UBND thành phố Hồ Chí Minh vẫn tìm mọi cách điều chỉnh, đánh tráo quy hoạch khu ĐTMTT. Ngày 23/3/1998, UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng kí công văn "liên kết" số 1074/UB.TP-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Ngày 10/7/1998, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Sau khi có quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/8/1998, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành nghị quyết số 18-NQ/TU về công tác quy hoạch, đền bù khi thu hồi đất và tái bố trí dân cư nêu rõ: "…tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định. Những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực đó về mục đích ý nghĩa, kế hoạch, thời gian thực hiện và chính sách đền bù, tái định cư… chính sách đền bù khi thu hồi đất phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân đang sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, phù hợp quy định của pháp luật... trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt... công bố rộng rãi nhiều lần trong nhân dân… chính sách đền bù phải bảo đảm tái tạo lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở, đất ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định".
Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh kí quyết định số 13585/ KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm (kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/2000): Diện tích khu vực quy hoạch: 748ha (giảm 22ha so với quyết định số 367/TTg của Chính phủ), trong đó: Diện tích đất 618ha (giảm 19ha); mặt nước sông Sài Gòn: 130ha (giảm 3ha). Diện tích cả ba khu vực đều giảm là do nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy chủ trương: "Tránh tối đa việc giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định".
Mặc dù khu ĐTMTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch. Bản đồ quy hoạch gồm các bản vẽ, sơ đồ, quy hoạch sử dụng đất). Trong quá trình thực hiện dự án, UBND thành phố, UBND quận 2 cất giấu bản đồ quy hoạch chung 1/5000 và bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 của Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt để lừa dân, để lại một hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng

http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10514

(Thứ Năm, 03/10/2013-9:39 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực

Kì 2: Xé nát quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm?

Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban Quản lí Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) do ông Nguyễn Văn Đua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy (nay là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy) làm Trưởng ban. Căn cứ văn bản đề nghị số 70/UB-TH ngày 4/1/2002 gửi Thủ tướng Chính phủ “Về việc thu hồi đất và đền bù, giải tỏa, tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm” của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải kí ngày 22/2/2002, Thủ tướng Chính phủ có công văn hỏa tốc số 190/CP-NN gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Địa chính với nội dung chỉ đạo: “Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 930ha đất (bao gồm 770ha để xây khu trung tâm đô thị mới và 160ha đất xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường: An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn quận 2 để giao cho Ban quản lí Đầu tư - Xây dựng Khu ĐTMTT… nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Theo quyết định số 367 thì 930ha của dự án có 133ha mặt nước sông Sài Gòn chỉ còn lại 767ha đất được thu hồi trên thực tế thuộc 5 phường nêu trên có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.084ha, 160ha đất xây dựng khu tái định cư và 637ha đất xây dựng khu trung tâm ĐTMTT.
Ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo số 77/TB-VP về ý kiến kết luận của ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND thành phố về việc tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm, giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu đất tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm ĐTMTT. Đồng thời rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160ha đất để xây dựng các khu tái định cư. Từ nội dung thông báo số 77 này thì 160ha đất xây dựng khu tái định cư cho người dân đã biến mất khỏi vị trí giáp ranh với trung tâm khu ĐTMTT, vì cụm từ “trên địa bàn quận 2”. Trớ trêu thay, cũng trong ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh kí tiếp thông báo hỏa tốc số 78/ TB-VP “Thông báo nội dung kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Hải về xác định ranh giới khu tái định cư phục vụ đền bù giải tỏa cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Nội dung thông báo này “xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư… phải bảo đảm đủ 160ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cả hai thông báo này về hình thức thì “tuân thủ” và “chấp hành nghiêm túc” chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng trên thực tế những người thực hiện đã “rút ruột đánh tráo vị trí, ranh giới” khu tái định cư 160ha liền kề khu ĐTMTT. Thể hiện ở nội dung 2 thông báo là “không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2. Có thể xem xét thu hồi đất tại những khu vực cần thiết dù đã có dự án đầu tư, có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng”. Trong khi quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: “Khu tái định cư 160ha nằm giáp ranh với khu trung tâm ĐTMTT”. Trong cùng một ngày Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành hai thông báo hỏa tốc có nội dung “chế biến” loại bỏ 160ha đất xây dựng khu tái định cư cho người dân bị giải tỏa trắng ra khỏi khu vực kế cận khu trung tâm ĐTMTT. Sự xáo trộn về quy hoạch khu ĐTMTT cũng từ những “thông báo hỏa tốc” này. Không những hàng chục nghìn căn hộ nằm trong ranh quy hoạch mà nỗi đau bão táp tột cùng của gần 3.000 căn nhà dân đang sinh sống ổn định tại 5 phường nằm ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế trái pháp luật, bị đập phá tan tành.

Khu nhà dân đập phá xong rồi bỏ hoang từ đó đến nay.

Chính phủ duyệt 770ha, thu hồi hơn 1.000ha
Sau khi có hai “thông báo hỏa tốc” trong cùng một ngày của Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/4/2002, Kiến trúc sư trưởng thành phố có tờ trình số 1090/KTST-QH gửi Thường trực UBND thành phố khẳng định ranh giới, phạm vi điều chỉnh quy hoạch.
Diện tích khu vực quy hoạch: Bảo đảm lấy theo đúng quy mô diện tích đã được xác định tại quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Khu trung tâm Thủ Thiêm (đô thị mới): 770ha.
Trong đó: Diện tích mặt đất và kênh rạch: 640ha; diện tích mặt nước sông Sài Gòn: 130ha; khu tái định cư: 160ha.
Trong nội dung tờ trình số 1090/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố kí ngày 5/4/2002 và quyết định số 13585/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố kí ngày 16/9/1998 khẳng định, minh bạch bản đồ quy hoạch chi tiết về vị trí, ranh giới vẫn còn 3 khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch. Chỉ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với khu trung tâm ĐTMTT 770ha (bao gồm 637ha đất + 130ha mặt nước sông Sài Gòn) không liên quan, không ảnh hưởng gì tới khu tái định cư 160ha. Văn bản số 4945/ CV-GTĐ của Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất thành phố gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/5/2002 đề xuất vị trí khu ĐTMTT cũng y như nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và của Kiến trúc sư trưởng thành phố. Điều phi lí là, ngày 3/5/2002, ông Nguyễn Văn Đua, Trưởng ban Quản lí khu ĐTMTT kí tờ trình số 06/TT-BQL gửi UBND thành phố về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu ĐTMTT. Ở nội dung văn bản này phần trên thì trích dẫn các căn cứ và tuân thủ theo nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định phê duyệt của Kiến trúc sư trưởng; nhưng phần vị trí ranh giới thu hồi đất của dự án thì nêu chung chung “tại các phường: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh thuộc quận 2 theo bản đồ do Công ty Đo đạc Địa chính - Công trình thiết lập”. Cũng cùng ngày này, Phó Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất, ông Nguyễn Thanh Nhàn kí văn bản số 4945/CV-GTĐ khẳng định: “Công ty đo đạc địa chính - Công trình thuộc Tổng cục Địa chính cắm mốc ranh giới cụ thể với diện tích 659ha “Phía Bắc giáp sông Sài Gòn, giáp ranh khu dân cư thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh và các dự án của Công ty TNHH may thêu Lan Anh…”. Căn cứ vào vị trí ranh giới này thì sau khi thu hồi đất giao cho khu ĐTMTT vẫn còn tồn tại 3 khu dân cư không bị giải tỏa (gồm khu phố 5 + 6 phường An Khánh, khu phố 1 phường Bình An, khu phố 1 + 2 phường Bình Khánh). Người dân bức xúc nhất là: Nếu thu hồi 659ha đất cho khu trung tâm thì vẫn còn lại 3 khu dân cư. Tại sao diện tích thu hồi giảm khoảng 80ha mà các khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị đập phá nhà thu hồi đất vượt quá 1.000ha?
11.000 đơn thư tố cáo, khiếu nại
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một đằng, UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một nẻo. Sai phạm dây chuyền liên tục vẫn thuộc về trách nhiệm của nhiều cán bộ chủ chốt ở UBND quận 2. Sau khi “loại bỏ” và bưng bít người dân Bản đồ quy hoạch khu ĐTMTT được Thủ tướng Chính phủ và Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt, Sở Địa chính - Nhà đất đưa ra Bản đồ quy hoạch theo hợp đồng đo đạc cắm mốc số 02/BB-BQL vẽ “ranh dự kiến giao đất” của một đồ án quy hoạch đang nghiên cứu trong tương lai chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, vẽ diện tích khu vực thu hồi đất trong tương lai bao trùm lên cả phường An Khánh, thậm chí còn giải tỏa trắng 3 khu dân cư ở 3 phường An Khánh, Bình Khánh và Bình An mà văn bản 4945 đã mô tả. Những văn bản có nội dung mập mờ hư ảo mị dân như vậy của Ban Quản lí Dự án và hàng loạt văn bản trái pháp luật của UBND thành phố và UBND quận 2 dẫn tới hậu quả kể từ thời điểm các văn bản này ra đời thì vị trí, ranh giới thu hồi đất tại 5 phường trung tâm ở quận 2 đã biến mất. UBND quận 2 liên tục mở “chiến dịch”, đập phá hàng nghìn căn nhà ở của dân, dẫn tới làn sóng khiếu nại, tố cáo lên tới đỉnh điểm. Với hơn 11.000 đơn thư tố cáo khiếu kiện vượt cấp, hàng chục nghìn người mất việc làm, gia đình họ phải sống li tán. Những bức xúc của người dân ở khu ĐTMTT tạo nên điểm nóng khiếu kiện kéo dài vẫn chưa được chính quyền các cấp ở TP Hồ Chí Minh giải quyết dứt điểm.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng

Post bởi Người Thủ Thiêm cao tuổi Khu Đô thị mới Thủ Thiêm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét