31.7.14

17,5 tỉ đồng ngân sách chui vào túi ai?”: Thủ phạm chính thuộc về ba cán bộ chủ chốt Quận 2, TP Hồ Chí Minh


Viết tiếp loạt bài: “17,5 tỉ đồng ngân sách chui vào túi ai?”: Thủ phạm chính thuộc về ba cán bộ chủ chốt Quận 2, TP Hồ Chí Minh


31/07/2014
Báo Người cao tuổi số 42 (1203) ra ngày 6/4/2013, số 43 (1204) ra ngày 10/4/2013 đăng loạt bài: “17,5 tỉ đồng ngân sách chui vào túi ai?” lên án hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, lập hồ sơ khống, đền bù hai lần trên một khu đất, hợp thức hóa giấy tờ cho một hộ dân chiếm đoạt gần 17,5 tỉ đồng ngân sách. Hành vi “cố ý làm trái” của các ông Nguyễn Cư, Chủ tịch; Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND Quận 2 và ông Đoàn Công Duy Phong, Chủ tịch UBND phường An Phú, Quận 2 là không thể chối cãi. Sau khi có chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc. Dư luận tại địa phương từng ngày, từng giờ bức xúc, nóng lòng chờ đợi những kẻ cơ hội trong “lợi ích nhóm” sẽ sớm được đưa ra trước pháp luật…
Những kẻ làm bậy, úp đậy cũng lòi…!
Năm 1990, UBND thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch trục đường xa lộ Hà Nội. Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Xuân và bà Võ Thị Tránh có 1.150 m2 đất bị thu hồi, đã được bồi thường hoán đổi một căn biệt thự số 828 cư xá Ngân hàng, phường Thảo Điền, Quận 2. Công tác bồi thường xong, nhưng đất dự án chưa thực hiện đến, khu đất công thổ này đang bỏ trống, vợ chồng ông Xuân được phép trồng các loại hoa màu ngắn ngày, nhưng không được phép trao đổi, sang nhượng. Năm 1991, ông Phan Ngọc Cường xin thuê khu đất này để làm trạm bán lẻ xăng dầu tạm. Ngày 12/6/1991, ông Cường cùng đại diện UBND phường lập biên bản bồi thường hoa màu trên đất cho vợ chồng ông Xuân, bà Tránh (chủ đất cũ) với giá 4 triệu đồng. Ngày 12/6/1992, UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy phép số 928/GPGĐ-92 cho ông Cường thuê 750 m2 đất với hình thức tạm cấp, mục đích sử dụng: “Trạm bán lẻ xăng dầu tạm trong thời hạn 4 năm, sau 6 tháng, nếu không sử dụng đất đúng mục đích thì sẽ bị thu hồi giấy phép”. Sau khi được cấp phép 5 tháng 4 ngày, ông Cường không sử dụng đất, ngày 16/11/1992 ông kí hợp đồng bán đất cho Công ty Vật tư Tổng hợp huyện Thủ Đức với giá 50 lượng vàng SJC bỏ túi riêng. Lẽ ra hành vi này của ông Cường sẽ bị khởi tố hình sự, nhưng chính quyền địa phương vẫn cho qua. Tháng 3/1995, thấy đất bỏ trống, ông Lê Lai kí hợp đồng thuê lại Công ty Vật tư Tổng hợp Thủ Đức với giá 4 triệu đồng/ tháng để làm xưởng sửa chữa ô-tô. Ông Lê Lai tôn tạo mặt bằng và lắp đặt nhà xưởng mở rộng thêm phần đất trống xung quanh ra 2.000 m2. Vừa kí hợp đồng thuê đất được 7 tháng, đến tháng 10/1995, ông Cường buộc ông Lê Lai kí lại hợp đồng thuê đất và trả tiền thuê hằng tháng cho cá nhân ông. Từ đó đến năm 2012, suốt 17 năm ông Cường lấy đất của Nhà nước cho ông Lai thuê, thu lợi 816 triệu đồng. Mặc dù trước đó, năm 1999, khi hết hạn Nhà nước cho thuê đất, ông Cường đã tự nguyện gửi “Đơn xin trả đất” có xác nhận kí tên, đóng dấu của Chủ tịch UBND phường An Phú, khi ông Cường mất, gia đình ông Cường vẫn ngang nhiên thu tiền cho thuê đất công thổ. Rõ ràng, từ thời điểm 1999 trở về sau, gia đình ông Cường không còn tư cách pháp nhân liên quan đến 750m2 đất thuê tạm của Nhà nước trước đó.
Cán bộ chủ chốt móc túi ngân sách!
Trong quá trình giải tỏa, cả hai giai đoạn 1 và 2 để thực hiện Dự án xa lộ Hà Nội, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền di dời vật kiến trúc trên đất và tôn tạo mặt bằng cho ông Lê Lai 3,2 tỉ đồng, không được bồi thường tiền đất. Lẽ ra UBND Quận 2 chi trả 3,2 tỉ đồng này cho ông Lê Lai là đúng quy định của pháp luật và vụ việc sẽ chấm dứt tại đây. Không ngờ, các ông Nguyễn Cư, Nguyễn Phước Hưng, cấu kết với ông Đoàn Công Duy Phong, Chủ tịch UBND phường An Phú, lập hồ sơ khống, giả mạo giấy tờ, hợp thức hóa đất công thổ thành đất tư nhân rồi kí hàng loạt quyết định bồi thường cho bà Lê Thị Kim Chưởng (vợ ông Phan Ngọc Cường) diện tích 2.024,66 m2 với tổng số tiền gần 15 tỉ đồng. Trong khi ông Cường gửi đơn xin thuê 750 m2, đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp phép cho thuê trong thời hạn 4 năm cũng chỉ có diện tích 750 m2? Hành vi sai trái của ba cán bộ chủ chốt này ở chỗ, gia đình ông Cường không có bất cứ một vật kiến trúc nào trên khu đất công này mà UBND Quận 2 vẫn cho bà Chưởng nhận 3,2 tỉ đồng hỗ trợ di dời vật kiến trúc và tôn tạo mặt bằng là tài sản và phần việc của ông Lê Lai. Vì đền bù quá bất công, ông Lê Lai, buộc lòng phải gửi đơn khởi kiện ra TAND Quận 2. Thẩm phán TAND Quận 2 Trần Thị Minh Yến chủ tọa phiên tòa bất chấp các quy định của luật pháp, phán quyết buộc bà Chưởng chỉ trả lại cho ông Lai 270 triệu đồng hỗ trợ di dời vật kiến trúc. Ông Lai kháng cáo, Thẩm phán Phạm Thị Lan, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm TAND thành phố Hồ Chí Minh lại tuyên buộc trái pháp luật, bác bỏ đơn kháng cáo của ông Lai và bảo kê cho bà Chưởng nhận hết số tiền 15 tỉ đồng để bảo vệ những kẻ “cố ý làm trái” móc túi ngân sách và mồ hôi công sức của ông Lê Lai. Không những mất trắng 3,2 tỉ đồng tiền hỗ trợ di dời nhà xưởng, ông Lai còn đau đớn hơn là mất 123 triệu đồng án phí sơ thẩm. Những ai từng tham dự hai phiên tòa sơ, phúc thẩm này mới thấy rõ bản chất vụ việc có sự móc nối cấu kết chặt chẽ từ ba cán bộ chính quyền thuộc Quận 2 với các thẩm phán TAND 2 cấp ở TP Hồ Chí Minh.

Khu đất 90ha ở phường An Phú, chính quyền TP Hồ Chí Minh thu hồi trái phép của dân rồi bỏ hoang suốt 12 năm nay.
Ông Lê Lai yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Trong quá trình gửi đơn khiếu nại không được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật ở TP Hồ Chí Minh giải quyết, ông Lê Lai gửi đơn đến các cơ quan Trung ương. Trong suốt thời gian dài, ông Lai chỉ nhận được hàng loạt giấy báo chuyển đơn của ông trở về TP Hồ Chí Minh giải quyết. Ông Lai tiếp tục gửi đơn yêu cầu các cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự đối với 2 thẩm phán: Trần Thị Minh Yến và Phạm Thị Lan cùng ba cán bộ chủ chốt ở Quận 2: Ông Nguyễn Cư, Chủ tịch UBND; ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND Quận 2; ông Đoàn Công Duy Phong, Chủ tịch UBND phường An Phú. Vì đây là vụ án hình sự với nhiều tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, giả mạo giấy tờ, cấu kết có tổ chức để móc túi ngân sách nhà nước và của công dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này gây xôn xao dư luận trong nhiều năm nay tại TP Hồ Chí Minh, gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và các cơ quan thực thi pháp luật. Vậy mà đơn tố cáo, đơn khiếu nại và đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của ông Lê Lai gửi đi rồi lại được trả về, như chuyện “không ai biết, đơn gửi đi rồi lại trả về”. Thậm chí ông Lai còn nhận được nhiều văn bản trả lời với nội dung rất ngớ ngẩn. Ngày 15/5/2013, Đại tá Vũ Hồng Nam, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh kí Phiếu thông báo số 1179/PTB-CQCSĐT-PC46 trả lời ông Lai: “Vì vụ việc nêu trên đã được TAND Quận 2 đưa ra xét xử phúc thẩm và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, trường hợp ông Lê Lai không đồng ý với kết quả giải quyết của TAND Quận 2… thì có quyền kháng cáo lên TAND thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục giám đốc thẩm”. Thông báo này cho thấy, vị Đại tá là người thực thi pháp luật mà không hiểu biết luật. Bởi lẽ, TAND Quận 2 không thể thực hiện việc xét xử cả án sơ thẩm lẫn phúc thẩm. TAND thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm rồi thì không thể xét xử giám đốc thẩm? Lẽ ra, khi có đơn thư tố cáo, phát giác tội phạm thì Cơ quan CSĐT phải vào cuộc, ngược lại các cơ quan bảo vệ pháp luật ở TP Hồ Chí Minh lại từ chối thụ lí và sử dụng từ “chuyển” là xong. Trong khi những kẻ làm bậy là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND Quận 2, nhưng khi đơn của ông Lai gửi đến UBND thành phố Hồ Chí Minh thì được chuyển về Văn phòng tiếp công dân của UBND thành phố, Văn phòng này lại tiếp tục chuyển cho UBND Quận 2, khác nào giao quyền cho những kẻ làm trái xử lí chính mình!
Khi biết có sự bao che trong vụ án này, ông Lê Lai kiên trì gửi đơn đến Ban Nội chính Trung ương. Ngày 21/10/2013, Ban Nội chính Trung ương có Văn bản số 612-PC/BNCTW gửi Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh yêu cầu xem xét xử lí theo quy định của pháp luật. Ngày 20/1/2014, Đại tá Vũ Hồng Nam, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh kí Phiếu thông báo số 370/PTB-CQCSĐT-PC46 gửi ông Lê Lai: “Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra theo luật định”. Trong quá trình chờ đợi cơ quan chức năng điều tra làm rõ, chúng tôi cũng đã thu thập thêm nhiều thông tin về ông Nguyễn Cư, Chủ tịch và ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND Quận 2 đã gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng ngân sách về việc đền bù sai quy định tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Người có sổ đỏ và các giấy tờ hợp lệ, nằm ngoài ranh thì bồi thường giá rẻ mạt, những người lấn chiếm đất công thổ, nhà đất không có chủ quyền thì bồi thường giá cao, gây nên làn sóng phẫn nộ, khiếu kiện tập thể kéo dài trong nhiều năm gây bất ổn an ninh chính trị tại địa phương. Để ngăn chặn hành vi “cố ý làm trái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” của những cá nhân nêu trên, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm kết thúc điều tra để có biện pháp xử lí thích đáng.
 Trường Sơn – Hồng Lĩnh – Đức Hoàng



0 nhận xét:

Đăng nhận xét