Pháp luật
(Thứ Ba, 01/10/2013-8:43 AM) http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10524
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 1: Những căn cứ pháp lí xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm
Trên 14.500 hộ dân đang sinh sống ổn định, đành ngậm ngùi bỏ xứ ra đi để giao nhà, giao đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT), một dự án lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996. Sau 17 năm, khu đất vàng này bị bỏ hoang, quy hoạch bị xé nát do UBND thành phố "cấp phát" đất cho 64 doanh nghiệp. Tiêu cực xảy ra quá nhiều, gần 3.000 nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch bị cưỡng chế, nhà cửa đập phá tan tành. Hơn 11.000 đơn khiếu kiện kéo dài, một số người chết oan do hành vi cưỡng chế trái phép. Với 38.000 tỉ đồng tiền hỗ trợ di dời đã được giải ngân Nhà nước phải mất 150 tỉ đồng tiền lãi/ tháng. Nguyên nhân dẫn tới nhiều nỗi đau cho hàng chục nghìn hộ dân là do hành vi làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ!...
Ngày 16/1/1993, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 20/TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Hồ Chí Minh: "Cần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thành phố văn minh của nhân dân lao động, thể hiện được tính ưu việt của chế độ và nguyện vọng của nhân dân cũng là nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh." Điều 2 quyết định này chỉ rõ: "Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố để tập trung đầu mối trong quản lí xây dựng tại thành phố. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh và ban hành điều lệ quản lí xây dựng thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở quản lí xây dựng tại thành phố bảo đảm việc xây dựng theo đúng quy hoạch đã được duyệt".
Ngày 27/5/1996, UBND thành phố Hồ Chí Minh có tờ trình số 1861/TT-UB-QLĐT gửi Thủ tướng Chính phủ "xin phê duyệt quy hoạch xây dựng (1/5000) khu đô thị mới Thủ Thiêm". Căn cứ tờ trình và văn bản đề nghị số 621/BXD-KTQH ngày 15/5/1996 của Bộ Xây dựng, ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 367/TTg "phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh". Nội dung quy định: Quy mô khu ĐTMTT có tổng diện tích 930 ha, trong đó: Khu đô thị mới 770ha. Khu tái định cư: 160ha. Về quy hoạch phân khu chức năng quy định 770ha bao gồm 133ha mặt nước sông Sài Gòn và 637ha đất được phân ra: Khu Trung tâm Thương mại, Tài chính Dịch vụ: 92ha; Khu Trung tâm Hội chợ, Triển lãm quốc tế 100ha; Khu nhà ở cao cấp 55ha; Khu Trung tâm Văn hóa, Du lịch, giải trí 100ha; Công viên Trung tâm 95ha; Khu Trung tâm hành chính 18ha; đất dành cho giao thông 177ha. Khu tái định cư 160ha nằm giáp ranh khu trung tâm ĐTMTT. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khu ĐTMTT: Lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định; Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt; Ban hành Điều lệ quản lí xây dựng khu ĐTMTT.
Ngày 6/1/1997, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 03/ CP "Về việc thành lập quận Thủ Đức, quận 2, quận 7, quận 9, quận 12 và thành lập các phường thuộc các quận mới TP Hồ Chí Minh". Quận 2 gồm 11 phường, trong đó một phần đất của 5 phường nằm trong khu ĐTMTT (phường An Phú 1.042ha, 6.724 nhân khẩu; phường An Khánh 169ha, 12.865 nhân khẩu; phường Bình Khánh 226ha, 6.580 nhân khẩu; phường Bình An 169ha, 6.774 nhân khẩu; phường Thủ Thiêm 135ha, 9.325 nhân khẩu; phường An Lợi Đông 385ha, 5.068 nhân khẩu).
Căn cứ điểm 1, Điều 5, Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở và quyết định số 4246/QĐ-UB-QLĐT ngày 15/12/1994 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố; xét đề nghị của UBND quận 2 tại công văn số 817/CV-UB-QLĐT ngày 25/12/1997; xét tờ trình số 98/KTST-QH ngày 3/1/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố về việc quy hoạch điều chỉnh… quận 2 TP Hồ Chí Minh, ngày 15/10/1998 UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 255/ QĐ-UB-QLĐT, Điều 1 ghi rõ: "Duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận 2, TP Hồ Chí Minh, theo danh mục đính kèm có 6 khu vực không bán, trong đó có khu vực quy hoạch khu ĐTMTT. Tại Điều 2 quy định: "Phạm vi các khu vực không bán nhà của quy hoạch điều chỉnh theo sơ đồ quy hoạch do Viện Quy hoạch Xây dựng lập có sự thỏa thuận của UBND quận 2". Tuy nhiên, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh quy định như vậy nhưng trên thực tế thì UBND thành phố Hồ Chí Minh vẫn tìm mọi cách điều chỉnh, đánh tráo quy hoạch khu ĐTMTT.
Ngày 23/3/1998, UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng kí công văn "liên kết" số 1074/UB.TP-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Ngày 10/7/1998, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Sau khi có quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/8/1998, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành nghị quyết số 18-NQ/TU về công tác quy hoạch, đền bù khi thu hồi đất và tái bố trí dân cư nêu rõ: "…tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định. Những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực đó về mục đích ý nghĩa, kế hoạch, thời gian thực hiện và chính sách đền bù, tái định cư… chính sách đền bù khi thu hồi đất phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân đang sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, phù hợp quy định của pháp luật... trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt... công bố rộng rãi nhiều lần trong nhân dân… chính sách đền bù phải bảo đảm tái tạo lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở, đất ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định".
Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh kí quyết định số 13585/ KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm (kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/2000): Diện tích khu vực quy hoạch: 748ha (giảm 22ha so với quyết định số 367/TTg của Chính phủ), trong đó: Diện tích đất 618ha (giảm 19ha); mặt nước sông Sài Gòn: 130ha (giảm 3ha). Diện tích cả ba khu vực đều giảm là do nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy chủ trương: "Tránh tối đa việc giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định".
Mặc dù khu ĐTMTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch. Bản đồ quy hoạch gồm các bản vẽ, sơ đồ, quy hoạch sử dụng đất). Trong quá trình thực hiện dự án, UBND thành phố, UBND quận 2 cất giấu bản đồ quy hoạch chung 1/5000 và bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 của Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt để lừa dân, để lại một hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10514
(Thứ Năm, 03/10/2013-9:39 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 2: Xé nát quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm?
Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban Quản lí Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) do ông Nguyễn Văn Đua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy (nay là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy) làm Trưởng ban. Căn cứ văn bản đề nghị số 70/UB-TH ngày 4/1/2002 gửi Thủ tướng Chính phủ “Về việc thu hồi đất và đền bù, giải tỏa, tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm” của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải kí ngày 22/2/2002, Thủ tướng Chính phủ có công văn hỏa tốc số 190/CP-NN gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Địa chính với nội dung chỉ đạo: “Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 930ha đất (bao gồm 770ha để xây khu trung tâm đô thị mới và 160ha đất xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường: An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn quận 2 để giao cho Ban quản lí Đầu tư - Xây dựng Khu ĐTMTT… nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Theo quyết định số 367 thì 930ha của dự án có 133ha mặt nước sông Sài Gòn chỉ còn lại 767ha đất được thu hồi trên thực tế thuộc 5 phường nêu trên có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.084ha, 160ha đất xây dựng khu tái định cư và 637ha đất xây dựng khu trung tâm ĐTMTT.
Ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo số 77/TB-VP về ý kiến kết luận của ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND thành phố về việc tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm, giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu đất tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm ĐTMTT. Đồng thời rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160ha đất để xây dựng các khu tái định cư. Từ nội dung thông báo số 77 này thì 160ha đất xây dựng khu tái định cư cho người dân đã biến mất khỏi vị trí giáp ranh với trung tâm khu ĐTMTT, vì cụm từ “trên địa bàn quận 2”. Trớ trêu thay, cũng trong ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh kí tiếp thông báo hỏa tốc số 78/ TB-VP “Thông báo nội dung kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Hải về xác định ranh giới khu tái định cư phục vụ đền bù giải tỏa cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Nội dung thông báo này “xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư… phải bảo đảm đủ 160ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cả hai thông báo này về hình thức thì “tuân thủ” và “chấp hành nghiêm túc” chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng trên thực tế những người thực hiện đã “rút ruột đánh tráo vị trí, ranh giới” khu tái định cư 160ha liền kề khu ĐTMTT. Thể hiện ở nội dung 2 thông báo là “không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2. Có thể xem xét thu hồi đất tại những khu vực cần thiết dù đã có dự án đầu tư, có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng”. Trong khi quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: “Khu tái định cư 160ha nằm giáp ranh với khu trung tâm ĐTMTT”. Trong cùng một ngày Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành hai thông báo hỏa tốc có nội dung “chế biến” loại bỏ 160ha đất xây dựng khu tái định cư cho người dân bị giải tỏa trắng ra khỏi khu vực kế cận khu trung tâm ĐTMTT. Sự xáo trộn về quy hoạch khu ĐTMTT cũng từ những “thông báo hỏa tốc” này. Không những hàng chục nghìn căn hộ nằm trong ranh quy hoạch mà nỗi đau bão táp tột cùng của gần 3.000 căn nhà dân đang sinh sống ổn định tại 5 phường nằm ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế trái pháp luật, bị đập phá tan tành.
Khu nhà dân đập phá xong rồi bỏ hoang từ đó đến nay.
Chính phủ duyệt 770ha, thu hồi hơn 1.000ha
Sau khi có hai “thông báo hỏa tốc” trong cùng một ngày của Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/4/2002, Kiến trúc sư trưởng thành phố có tờ trình số 1090/KTST-QH gửi Thường trực UBND thành phố khẳng định ranh giới, phạm vi điều chỉnh quy hoạch.
Diện tích khu vực quy hoạch: Bảo đảm lấy theo đúng quy mô diện tích đã được xác định tại quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Khu trung tâm Thủ Thiêm (đô thị mới): 770ha.
Trong đó: Diện tích mặt đất và kênh rạch: 640ha; diện tích mặt nước sông Sài Gòn: 130ha; khu tái định cư: 160ha.
Trong nội dung tờ trình số 1090/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố kí ngày 5/4/2002 và quyết định số 13585/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố kí ngày 16/9/1998 khẳng định, minh bạch bản đồ quy hoạch chi tiết về vị trí, ranh giới vẫn còn 3 khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch. Chỉ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với khu trung tâm ĐTMTT 770ha (bao gồm 637ha đất + 130ha mặt nước sông Sài Gòn) không liên quan, không ảnh hưởng gì tới khu tái định cư 160ha. Văn bản số 4945/ CV-GTĐ của Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất thành phố gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/5/2002 đề xuất vị trí khu ĐTMTT cũng y như nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và của Kiến trúc sư trưởng thành phố. Điều phi lí là, ngày 3/5/2002, ông Nguyễn Văn Đua, Trưởng ban Quản lí khu ĐTMTT kí tờ trình số 06/TT-BQL gửi UBND thành phố về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu ĐTMTT. Ở nội dung văn bản này phần trên thì trích dẫn các căn cứ và tuân thủ theo nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định phê duyệt của Kiến trúc sư trưởng; nhưng phần vị trí ranh giới thu hồi đất của dự án thì nêu chung chung “tại các phường: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh thuộc quận 2 theo bản đồ do Công ty Đo đạc Địa chính - Công trình thiết lập”. Cũng cùng ngày này, Phó Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất, ông Nguyễn Thanh Nhàn kí văn bản số 4945/CV-GTĐ khẳng định: “Công ty đo đạc địa chính - Công trình thuộc Tổng cục Địa chính cắm mốc ranh giới cụ thể với diện tích 659ha “Phía Bắc giáp sông Sài Gòn, giáp ranh khu dân cư thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh và các dự án của Công ty TNHH may thêu Lan Anh…”. Căn cứ vào vị trí ranh giới này thì sau khi thu hồi đất giao cho khu ĐTMTT vẫn còn tồn tại 3 khu dân cư không bị giải tỏa (gồm khu phố 5 + 6 phường An Khánh, khu phố 1 phường Bình An, khu phố 1 + 2 phường Bình Khánh). Người dân bức xúc nhất là: Nếu thu hồi 659ha đất cho khu trung tâm thì vẫn còn lại 3 khu dân cư. Tại sao diện tích thu hồi giảm khoảng 80ha mà các khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị đập phá nhà thu hồi đất vượt quá 1.000ha?
11.000 đơn thư tố cáo, khiếu nại
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một đằng, UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một nẻo. Sai phạm dây chuyền liên tục vẫn thuộc về trách nhiệm của nhiều cán bộ chủ chốt ở UBND quận 2. Sau khi “loại bỏ” và bưng bít người dân Bản đồ quy hoạch khu ĐTMTT được Thủ tướng Chính phủ và Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt, Sở Địa chính - Nhà đất đưa ra Bản đồ quy hoạch theo hợp đồng đo đạc cắm mốc số 02/BB-BQL vẽ “ranh dự kiến giao đất” của một đồ án quy hoạch đang nghiên cứu trong tương lai chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, vẽ diện tích khu vực thu hồi đất trong tương lai bao trùm lên cả phường An Khánh, thậm chí còn giải tỏa trắng 3 khu dân cư ở 3 phường An Khánh, Bình Khánh và Bình An mà văn bản 4945 đã mô tả. Những văn bản có nội dung mập mờ hư ảo mị dân như vậy của Ban Quản lí Dự án và hàng loạt văn bản trái pháp luật của UBND thành phố và UBND quận 2 dẫn tới hậu quả kể từ thời điểm các văn bản này ra đời thì vị trí, ranh giới thu hồi đất tại 5 phường trung tâm ở quận 2 đã biến mất. UBND quận 2 liên tục mở “chiến dịch”, đập phá hàng nghìn căn nhà ở của dân, dẫn tới làn sóng khiếu nại, tố cáo lên tới đỉnh điểm. Với hơn 11.000 đơn thư tố cáo khiếu kiện vượt cấp, hàng chục nghìn người mất việc làm, gia đình họ phải sống li tán. Những bức xúc của người dân ở khu ĐTMTT tạo nên điểm nóng khiếu kiện kéo dài vẫn chưa được chính quyền các cấp ở TP Hồ Chí Minh giải quyết dứt điểm.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10519
Pháp luật
(Thứ Sáu, 04/10/2013-9:43 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 3: Khu đất vàng 160ha đất tái định cư bị đánh tráo?
Nội dung của quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Trong 930ha của dự án, có 160ha dành riêng để xây dựng nhà tái định cư cho nhân dân trong vùng bị quy hoạch. Tại Điều 2 quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khu Đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) bao gồm: Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt; ban hành điều lệ quản lí xây dựng khu ĐTMTT. Khi chưa ban hành điều lệ quản lí xây dựng thì Ban Quản lí Dự án Khu ĐTMTT, UBND quận 2 đã ào ạt giải tỏa nhà dân như những cơn lốc ập xuống khu đất vàng này. Sau 17 năm kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu ĐTMTT đến ngay vẫn chưa có bất cứ văn bản nào của Chính phủ hay của UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tách 160ha đất dành riêng xây dựng khu tái định cư ra xa khu trung tâm khu ĐTMTT. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ diện tích 160ha đất tái định cư cho dân giáp ranh khu quy hoạch và nằm trong phân khu thứ 7 trong 7 phân khu chức năng của khu ĐTMTT. Nghị quyết số 21/2002/NQ-HĐND ngày 29/6/2002 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh cũng nhất trí với chủ trương đầu tư xây dựng khu ĐTMTT với diện tích 930ha, trong đó khu trung tâm là 770ha và 160ha khu tái định cư. Cơ sở pháp lí là vậy, nhưng 160ha đất tái định cư đã biến mất? Vì khu đất 160ha này là quyền lợi của hàng chục nghìn dân đã sinh sống ổn định lâu đời tại khu vực mà Chính phủ giao cho UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng khu tái định cư cho người dân trong vùng dự án được hưởng lợi khi nhà và đất của họ giao cho chính quyền thành phố giải tỏa trắng để thực hiện dự án. Vậy mà họ không được hưởng ưu đãi mà còn bị cưỡng chế, đập phá nhà và phải di dời chỗ ở ra những vùng đất hoang hóa thuộc vùng sâu, vùng xa của quận 2. Có những khu tái định cư, UBND quận 2 xây “ưu đãi” cho người dân giáp ranh tỉnh Đồng Nai, hộ dân nào leo lên lầu ở thì phải cách chỗ ở cũ tới 15km và mất hết nghề nghiệp, việc làm, nguồn thu nhập ổn định. Cay đắng hơn là mất 16 triệu đồng/m2 tiền Nhà nước hỗ trợ mà còn phải kí nhận khoản nợ về số tiền chênh lệch giá bán chung cư quá cao so với giá đền bù.
Hàng chục căn nhà dân đã chỉ còn là đống gạch vụn.
Người dân bị bưng bít thông tin?
Nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đặc biệt vấn đề tái định cư đối với từng dự án được xem như một yêu cầu bắt buộc khi xây dựng dự án đầu tư cũng như khi thẩm định để phê duyệt ở các cấp có thẩm quyền… tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định… những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực đó về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch, thời gian thực hiện và chính sách đền bù, tái định cư… chính sách đền bù phải bảo đảm tái tạo được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở, đất ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định”. Mặc dù đã có 2 quyết định số 18176/KTST-QH ban hành ngày 14/10/1997 và quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2000 kèm theo 2 bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/2000. Vậy mà, chính quyền quận 2 không thông báo công khai, phổ biến rộng rãi cho người dân biết. Trong rất nhiều lần tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND thành phố và Đại biểu Quốc hội, người dân yêu cầu chính quyền phải công bố công khai đồ án, đồng thời phải tổ chức đối thoại với nhân dân trong vùng dự án, nhưng tất cả mọi đề nghị của người dân đều rơi vào im lặng! Trả lời báo chí, ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta có chính sách tài chính, nhưng chưa có kế hoạch tổng thể để giải quyết những vấn đề phát sinh.” Qua hơn 4 năm thăm dò ý kiến người dân, ông Lịch khẳng định: Hầu hết người dân Thủ Thiêm đều chưa biết khu ĐTMTT mặt mũi ra sao, nhiều thông tin người dân còn mù tịt. Ngay chính quyền cấp phường gần dân nhất cũng không thể trả lời cho dân rõ ràng hơn để dân có thể biết và giám sát việc chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương của Chính phủ về xây dựng khu ĐTMTT.
Đến năm 2006 (tức sau 10 năm công bố quy hoạch) UBND quận 2 mới tổ chức hội nghị phổ biến quy hoạch 1/5000 và 1/2000 nhưng thành phần chỉ mời riêng các “quan” từ ban điều hành khu phố trở lên, còn Tổ trưởng dân phố và người dân thì không được dự. Trong vòng 10 năm ấy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã làm gì mà người dân sở tại mù tịt thông tin về khu ĐTMTT và 160ha đất khu tái định cư? Việc làm này là cố ý làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trái với nghị quyết của Thành ủy và nghị quyết của HĐND thành phố. Việc Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi công văn số 70/UB-TH ngày 4/1/2002 để “xin” Thủ tướng Chính phủ cho thành phố ra quyết định thu hồi 930ha đất thuộc khu ĐTMTT là không phù hợp với quy định về thẩm quyền và thủ tục. Mặc dù Chính phủ không ban hành quyết định thu hồi đất như đề nghị của UBND thành phố mà chỉ có công văn hỏa tốc số 190/CP-NN với nội dung chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách được quy định trong nội dung quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì đây là một quyết định đúng đắn, được tất cả người dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ. Bởi lẽ, họ sẽ có được chỗ ở mới trong khu tái định cư ngay cạnh khu trung tâm khu ĐTMTT. Nhưng niềm tin ấy của hàng chục nghìn hộ dân đã bị dập tắt trong nỗi mong chờ đầy thất vọng khi khu tái định cư 160ha đã bị đánh tráo. Hai bản đồ quy hoạch chi tiết có giá trị pháp lí của khu ĐTMTT cũng bị chính quyền bưng bít mà UBND thành phố trả lời bằng văn bản cho là “bị thất lạc”. Quy hoạch khu ĐTMTT đã bị xé nát theo ý chí chủ quan của một nhóm quan chức. 160ha đất dành xây dựng tái định cư cho dân đã bị tách ra làm 6 khu tái định cư không liền kề với khu ĐTMTT mà nằm rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của quận 2. Có khu tái định cư được xây dựng nằm giáp ranh liền kề với tỉnh Đồng Nai chưa có đường giao thông. Đó là chưa kể đến những điều phi lí về giá bán căn hộ chung cư quá cao, nhưng giá bồi thường lại quá rẻ mạt. Bức xúc nhất là tất cả các văn bản do UBND quận 2 và UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành để thực hiện dự án 930ha khu ĐTMTT đều có nội dung “căn cứ và tuân thủ” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong quá trình thực hiện thì lại “vô hiệu hóa” quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phải chăng “phép vua thua lệ làng?”.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10531
(Thứ Ba, 08/10/2013-8:43 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 4: Đánh tráo quy hoạch, phá phách nhà dân
Quyết định số 367/ TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi riêng khu trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) là 770ha, trong đó có 133ha mặt nước sông Sài Gòn, còn đất liền thu hồi 637ha. Thế nhưng sau khi có "Bản đồ 02/BB-BQL về ranh dự kiến giao đất trong tương lai của Sở Địa chính - Nhà đất thành phố cung cấp, lẽ ra UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND quận 2 và Ban Quản lí Dự án khu ĐTMTT tiến hành thu hồi 737ha (giảm 33ha so quyết định 367 của Thủ tướng) để thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh tỉ lệ 1/2000 tại công văn số 1642/CP-CN ngày 14/11/2003. Vậy mà ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã lấy "ranh dự kiến" làm căn cứ pháp lí ban hành hai quyết định số 6565 và 6566 có nội dung trái pháp luật, coi đây là căn cứ "mở chiến dịch" cho UBND quận 2 cưỡng chế đập phá gần 3.000 căn nhà của dân nằm ngoài ranh quy hoạch được quy định rõ của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi 2 bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 được Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh phê duyệt và bản đồ quy hoạch chung 1/5000 kèm theo tờ trình số 1861/TT-UB QLĐT ngày 27/5/1996 của UBND thành phố Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 367/TTg thì UBND quận 2 không sử dụng làm căn cứ pháp lí, mà làm theo tính tự phát của một "cơ chế" quyền lực áp đặt. UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hai bản đồ đã bị "thất lạc?". Thật phi lí và quá coi thường cuộc sống và sinh mạng của người dân! Tuy sai phạm lớn chưa được khắc phục thì sai phạm lại tiếp tục phát sinh. Lẽ ra, đối với những hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch, chính quyền muốn thu hồi đất thì phải ban hành quyết định thu hồi đất trên cơ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Ngược lại, gần 3.000 ngôi nhà ở của dân nằm ngoài ranh quy hoạch, không liên quan tới quy hoạch mà bị chính quyền quận 2 đập phá không có quyết định thu hồi đất? Đó là hành vi phạm pháp nghiêm trọng về quyền sống, quyền về nhà ở của công dân. Ngày 10/5/2002, ông Vũ Hùng Việt lại kí quyết định số 1997/QĐ-UB về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu ĐTMTT, xác định vị trí, ranh giới thu hồi đất không có căn cứ.
Biệt thự của một quan chức TP Hồ Chí Minh ngay mặt tiền sông Sài Gòn ngay khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kí quyết định thay thế quyết định của Thủ tướng Chính phủ?
Ngày 27/12/2005, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 6565/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm ĐTMTT tỉ lệ 1/5000. Tại Điều 2 quyết định này, ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh tự thăng chức cho mình kí: "Quyết định này thay thế quyết định số 367/TTg ngày 04/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ". Trong tất cả các bộ luật của Việt Nam, không có điều, khoản nào quy định: UBND cấp tỉnh, thành phố có quyền ban hành quyết định thay thế và hủy bỏ quyết định của Thủ tướng Chính phủ? Rõ ràng là một quyết định trái pháp luật. Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bị quyết định số 6565/QĐ-UBND của ông Vũ Hùng Việt thay thế, hủy bỏ. Vậy mà quyết định số 6566/QĐ-UBND kí sau đó vài giờ trong ngày 27/12/2005 về quy hoạch chi tiết 1/2000 vẫn tiếp tục "căn cứ vào quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ". Trong công văn số 2005/BXD-KTQH Bộ Xây dựng khẳng định: "Quy mô khu trung tâm ĐTMTT là 737ha. Công văn số 1642 của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ: Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch chung khu trung tâm theo ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng với diện tích 737ha. Trong tất cả các quyết định của 3 cấp (quận 2, thành phố, Trung ương) không có một cụm từ nào "cắt bỏ khu tái định cư 160ha" ra khỏi khu giáp ranh với khu trung tâm ĐTMTT? Có nghĩa là trong suốt quá trình thực hiện dự án, dù thay đổi hay điều chỉnh quy hoạch 1/5000 hay 1/2000 đều có thể điều chỉnh các khu chức năng khác trong khu trung tâm, còn khu tái định cư 160ha không thay đổi vị trí. Trong nội dung thông báo số 77/TB-VP, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao trách nhiệm cho UBND quận 2 phải giao đủ 770ha đất, nhưng tại quyết định số 6565/QĐ-UBND thì diện tích đất khu trung tâm được điều chỉnh xuống còn 737ha. 33ha đất còn lại biến đi đâu? 737ha đất khu trung tâm, UBND thành phố Hồ Chí Minh chia nhỏ thành hai khu: Khu đô thị phát triển: 657ha và khu đô thị chỉnh trang: 80ha. Thực chất thì 80ha đất chỉnh trang này hoàn toàn không có trong bản đồ quy hoạch được duyệt theo thiết kế của Công ty SASAKI (Mỹ) là đơn vị trúng thầu thiết kế với giá 600.000 USD và cũng không có trong văn bản chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hay ý kiến của Bộ Xây dựng. Như vậy 80ha đất chỉnh trang đô thị, cá nhân hay tổ chức nào đã bịa đặt ra nó? Trên thực tế 80ha này đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh "cấp phát" cho 64 doanh nghiệp ém sẵn từ 5 năm, 10 năm trước. Các ông chủ này đã phân lô, bán nền kể từ thời điểm sau khi Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 phê duyệt Dự án Khu ĐTMTT cho đến khi có quy hoạch chi tiết Dự án này. Điều này Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã khẳng định tại Hội nghị thẩm định quy hoạch chi tiết khu trung tâm ĐTMTT tại Hà Nội ngày 10/11/2004.
Đưa vào rồi lại rút ra, các đại gia đua xây biệt thự
Trong cùng một ngày (27/12/2005), UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành 2 quyết định số 6565 và 6566 có nội dung đối chọi, chồng chéo nhau. Quyết định số 6565 thì "lạm quyền" hủy bỏ và thay thế quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 6566 thì sử dụng quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ pháp lí để phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm tỉ lệ 1/2000. Quyết định số 6565 đưa 80ha đất chỉnh trang đô thị vào nhằm "che lấp, uốn nắn những sai phạm trước đó" để phù hợp với thẩm định của Bộ Xây dựng về quy mô khu trung tâm 737ha trên giấy tờ. Còn quyết định số 6566 lại rút 80ha đất chỉnh trang ra ngoài và chỉ phê duyệt 657ha đất của khu trung tâm. Việc đưa 80ha vào rồi lại rút ra là cố ý làm trái Điều 13 của Luật Xây dựng. Nếu đưa 80ha đất chỉnh trang vào thì thành phố sẽ không còn đất để thu hồi theo đúng chủ trương của Chính phủ. Bởi đất đã "lỡ ưu ái cấp phát" cho các "đại gia" phân lô, bán nền trước đó rồi. Trò đưa vào rồi lại rút ra 80ha là "ma thuật" hợp thức hóa số liệu 770ha mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhằm khỏa lấp những sai phạm. Cũng vì những hình thức xảo biện này mà 160ha đất dành riêng xây dựng khu tái định cư cho hàng nghìn hộ dân cũng bị "đánh tráo" khỏi vị trí giáp ranh khu trung tâm ĐTMTT. Thay vào đó là các khu đất rời rạc, manh mún xây chung cư cho dân ở các vùng sâu, vùng xa. Nhiều cán bộ lão thành bức xúc: "Việc đưa vào rồi lại rút ra quá nhiều lần gây tốn kém, tranh cãi, còn ở đây, sau nhiều lần đưa vào, rút ra thì lại mọc lên quá nhiều biệt thự của các đại gia và quan chức".
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10542
Thứ Năm, 10/10/2013-8:48 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 5: Nhiều “quan quận” và Ban Quản lí thi nhau chiếm đất của dân
Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hồ Chí Minh khởi động dự án bằng cách cấp phát đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) cho 64 doanh nghiệp, dẫn đến khu ĐTMTT bị thiếu hụt diện tích quá lớn. Một thời gian sau, Chủ tịch UBND thành phố lại gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “…thực tế đất tiếp giáp với khu trung tâm khu ĐTMTT không còn đủ để bố trí khu tái định cư 160ha vì đã có nhiều dự án được giao đất trước năm 2002, diện tích đất còn lại phân tán, không thể thu hồi để xây dựng khu dân cư hiện đại, nên phải bố trí phân tán tại những khu dân cư khác trên địa bàn quận 2”. Trong khi UBND thành phố lại thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Đầu tư - Phát triển Thủ Thiêm trực thuộc Ban Quản lí Đầu tư - Xây dựng khu ĐTMTT. Công ty này được phép khai thác đất vàng là khu dân cư phía Đông và khu dân cư Bắc đại lộ Đông Tây (quận 2) có tổng diện tích 65ha thuộc khu ĐTMTT. Giá trị quyền sử dụng đất được định giá 6.400 tỉ đồng. Tổng số cổ phiếu sẽ được bán cho cổ đông chiến lược. Với tổng số tiền dự kiến thu về trên 8.000 tỉ đồng. Chủ trương thành lập công ty này đã bị đông đảo người dân quận 2 phản đối kịch liệt tại buổi tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố. Họ đặt câu hỏi: - Ban Quản lí lấy đâu ra đất mà có tới 65ha góp vốn? Thực chất là UBND thành phố lấy đất của khu tái định cư đưa vào công ty cổ phần. Đến nay vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù, sổ đỏ họ đang nắm giữ trong tay và liên tục gửi đơn khiếu kiện vì giá đền bù quá rẻ mạt, giá bán căn hộ chung cư quá cao, nhà chung cư chưa đủ cho dân tái định cư… nghĩa là hai khu đất này chưa thu hồi xong, vậy mà cách đây chục năm chính quyền thành phố đã vội vã cho phép Ban Quản lí Dự án thành lập công ty để lấy đất hợp pháp của người dân làm vốn cổ phần hóa? Rõ ràng những khiếu kiện bức xúc của người dân cho rằng 160ha đất tái định cư đã bị “đánh tráo” là có cơ sở. Giá đền bù cho người dân ở nhiều mức khác nhau, nhưng cũng chỉ tính đến hàng trăm nghìn, còn giá đất góp vốn cổ phần hóa thì thu lợi từ 10 - 12,5 triệu đồng/m2.
Các “quan”chiếm nền đất bán kiếm lời to
Trong khi nỗi đau của trên 14.500 hộ dân bị cưỡng chế phải tá túc trong những căn phòng lụp xụp tại các khu “tạm cư” thiếu thốn mọi bề, tài sản bị chất đống một chỗ. Vậy mà nhiều cán bộ của quận 2 lại thi nhau chiếm đất nền bán kiếm lời bất chính. Ngày 31/7/1999, UBND quận 2 ra thông báo số 217/TB-UB giải quyết bán đợt 1 với 112 nền nhà từ 100 đến 200m2/nền (590.000 đồng/m2). Đối tượng được mua nền là cán bộ, công chức, cán bộ hợp đồng ở quận 2. Tiêu chuẩn được xét bán nền nhà đợt 1 phải là người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở như đang ở nhà thuê, ở chung với cha mẹ trong gia đình có nhân khẩu đông. Quy định thì chặt chẽ như vậy, nhưng trên thực tế thì họ đã ngấm ngầm mua bán chia quyền lợi cho nhau. Danh sách bán nền nhà đợt 1 có 87 cán bộ, công nhân viên “đủ tiêu chuẩn” thì hơn 50% số đối tượng là những “quan bự” đã có nhiều nhà, đất và có cuộc sống phong lưu. Có những đối tượng này không tham gia công tác ở quận 2 như các cán bộ ở Ngân hàng NN&PTNN có tới 15 người được xét mua diện tích nền vượt quá hạn mức quy định, như Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 Nguyễn Văn Đồng được mua 407,5m2; Đội trưởng Đội Thi hành án Nguyễn Văn Ấn: 390,6m2; Nguyễn Việt Thắng, cán bộ Phòng Tổ chức Chính quyền 306,1m2; Hoàng Văn Toàn, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Quận ủy 365,6m2. Những cán bộ “bự” này đều đã có nhà ở khang trang, thậm chí có người có 2 đến 3 căn nhà ở địa điểm khác.
Khu đất của Công ty Huy Hoàng được bao hàng rào tôn bỏ hoang.
Ngoài các “đại gia” này còn có hàng loạt “cán bộ bự” được cấp đất nền như Nguyễn Thị Minh Trí, Phòng Giáo dục và Đào tạo lô 24 diện tích 304,4m2; Nguyễn Thị Thanh, Phòng Thống kê lô 22, diện tích 300m2; Nguyễn Việt Thắng, Phòng Tổ chức Chính quyền lô 16, diện tích 306,1m2; Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN lô 20 diện tích 153,9m2. Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 lô C1 diện tích 407,5m2; Trương Đình Cẩm, Giám đốc Kho bạc Nhà nước lô 96 diện tích 180m2; Nguyễn Quang Dũng, Kế toán trưởng Ban Quản lí Dự án lô 28 diện tích 252,6m2; Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Quận đoàn lô 43, diện tích 147,5m2 và nhiều cán bộ khác.
Nỗi đau và bức xúc nhất của hàng chục nghìn hộ dân ở quận 2 là: Trong khi triển khai khu ĐTMTT và Dự án Đại lộ Đông - Tây thì UBND quận 2 “kêu ca” không còn đất để xây nhà tái định cư cho dân. Vậy mà vẫn còn những dự án ngầm phân lô bán nền cho cán bộ với giá rẻ như cho. Hơn 70% số cán bộ được ưu ái bán nền giá rẻ đã bán lại sang tên kiếm chênh lệch hàng tỉ đồng.
Chính quyền làm sai, Quận ủy bao che?
Sau khi các cán bộ lão thành và cử tri quận 2 phản đối gay gắt, ngày 25/2/2005, Quận ủy quận 2 có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh để giải trình về dự án “chia chác” này. Nội dung báo cáo giấu đầu hở đuôi. Phần trên khẳng định việc xét duyệt bán đất cho cán bộ, công nhân viên trong quận đúng đối tượng và tiêu chuẩn, phần dưới “lòi cái đuôi” sai phạm, rồi công nhận “một số đồng chí chưa thật sự khó khăn về nhà ở vẫn được giải quyết đất nền”. Trên thực tế thì đã có hàng loạt cán bộ không khó khăn về nhà ở, trong đó có 4 cán bộ đầu ngành là Giám đốc Bảo hiểm Xã hội, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 tuy đã có nhà ở đất ở ổn định, cuộc sống quá sung túc, họ vẫn được bán nền nhà với diện tích lớn, kiếm lời bạc tỉ. Quận ủy quận 2 “xảo biện” rằng: “Do không có tiền trả, vay tiền để mua, thấy dự án kéo dài…” để bao che cho những sai phạm của UBND quận, bởi khi nộp đơn xin duyệt mua nền nhà, đâu có cán bộ nào kêu ca khó khăn về tài chính. Hội đồng xét duyệt đơn mua nền của cán bộ, công nhân viên quận 2 trong dự án “chia chác” này do bà Thái Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận 2 làm Chủ tịch Hội đồng đã có báo cáo giải trình với nội dung bao che cho sai phạm rằng những cán bộ, công nhân viên được duyệt bán nền đất là do: “…ở xa trên 15km, thậm chí 30km chưa có chỗ ở phải ở nhờ, thuê mướn chật chội…”. Bà Hạnh khẳng định, 87 người được cấp đợt đầu là có nhu cầu cấp thiết nhất về nhà ở. Bà cố ý khẳng định: “Việc xét duyệt chặt chẽ, công khai, thể hiện trách nhiệm cao” nhưng sự thật thì ngược lại và vẫn còn những “khe hở” quá rộng bà đã giấu để nói dối cấp trên. Thế rồi các thành viên trong Hội đồng tự duyệt đất cho nhau, có 7 thành viên trong hội đồng thì có 3 người đã được Hội đồng cấp nền: Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Tổ chức Chính quyền quận 2 được mua 306m2; Chánh Văn phòng Quận ủy quận 2, ông Đinh Quang Nghị được mua 224m2; Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 được “mua” 407m2. Trong khi trên văn bản thì hạn mức được duyệt mua tối đa mà UBND quận 2 quy định không quá 200m2. 3 quan chức này “bốc thăm” trúng ngay vị trí đẹp nhất của dự án và ngay sau khi được duyệt cả 3 “quan quận” này đã bán kiếm lời hàng tỉ đồng
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10571
(Thứ Sáu, 11/10/2013-9:34 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 6: Đập phá tan tành gần 3.000 căn nhà
UBND quận 2 cưỡng chế, đập phá tan tành gần 3.000 căn nhà của dân nằm ngoài ranh quy hoạch. Trong đó có trên 1.000 căn được UBND thành phố Hồ Chí Minh duyệt bán theo nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ và cấp chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở, quyền sử dụng về đất ở từ năm 2000. Vì sau khi có quyết định phê duyệt diện tích đất thu hồi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) 930ha từ năm 1996 thì các khu vực tập trung đông dân cư mà nghị quyết số 18/ NQ-TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định”. Những khu vực này gồm có 3 cụm dân cư tập trung đông dân nhất, đó là khu phố 1, phường Bình An; khu phố 1 + 2 phường Bình Khánh và khu phố 5 + 6 phường An Khánh đều nằm ngoài ranh quy hoạch khu ĐTMTT theo bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt. Riêng khu phố 1, phường Bình An có tới 910 căn nhà bị cưỡng chế đập phá trái pháp luật. Nếu tính cả 5 khu phố thì gần 3.000 căn nhà đã bị đập phá đổ nát.
Trước khi bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ ở khu vực này thì UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 4246/QĐ-UB-QLĐT về các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. UBND quận 2 cũng có công văn số 817/CV-UB-QLĐT ngày 25/12/1997 gửi UBND thành phố. Ngày 3/1/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố có tờ trình số 98/KTST-QH về việc quy hoạch điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc quyền sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận 2, TP Hồ Chí Minh. Dựa trên những căn cứ pháp lí này, mãi tới năm 2000 thì UBND thành phố Hồ Chí Minh mới tiến hành kí quyết định bán nhà sở hữu Nhà nước tại 5 khu phố nêu trên và cấp chủ quyền về nhà ở và quyền sử dụng về đất ở cho hơn 1.000 hộ dân và cán bộ đã đóng tiền mua nhà. Như vậy, hàng nghìn căn nhà đã được UBND thành phố cấp chủ quyền từ năm 2000 đều nằm ngoài ranh quy hoạch khu ĐTMTT. UBND quận 2 căn cứ vào 3 quyết định có nội dung trái pháp luật (các số 1997, số 6565 và số 6566) do ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kí để cưỡng chế đập bỏ nhà dân là cố ý làm trái. Việc làm này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong báo cáo kết luận số 2574/BC-TTCP ngày 20/10/2009: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó… Tuy nhiên UBND quận 2 đã không làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”.
Những căn nhà ở của dân chỉ còn là đống gạch vụn.
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”...
Gia đình ông Phan Thanh Liêm ở số nhà B30/2, khu phố 1, phường Bình An có nhà nằm ngoài ranh quy hoạch. Hai vợ chồng đều là cán bộ nghỉ hưu dành dụm cả đời mua được căn nhà cấp 4 diện tích 45m2 gắn liền 117,15m2 đất. Được Nhà nước hóa giá theo Nghị định 61/CP, được UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp chủ quyền nhà ở đất ở năm 2000. Tuy không có quyết định thu hồi đất nhưng cũng bị chính quyền quận 2 cưỡng chế đập bỏ. Hiện tại gia đình ông đi thuê nhà trọ ở quận 9 vì giá đền bù rẻ mạt không mua nổi căn hộ chung cư. Hộ ông Lê Liên Dân ở B22/5, khu phố 1, phường Bình An mua theo Nghị định 61/CP có diện tích xây dựng 44,73m2 và 143m2 đất thổ cư đã bị đập phá tan hoang. Ông Nguyễn Tiền Phong ở số A/14, khu phố 5, phường An Khánh, tham gia cách mạng năm 1962 bị nhiễm chất độc da cam, ông bị ung thư chết năm 2008. Năm 1989, vợ chồng ông mua 200m2 đất cất nhà ở, sau đó mua thêm 1.000m2 đất để phân chia cho các con tách hộ, cất nhà ở riêng, tổng cộng là 3 hộ gia đình nhưng chỉ được bồi thường 100m2, số còn lại chỉ đền bù 50 nghìn đồng/m2 theo giá đất nông nghiệp. Người con gái bị nhiễm chất độc da cam nhưng cũng bị chính quyền cưỡng chế phá nhà. Hộ ông Lê Văn Lung ở số 9 mặt tiền đường Trần Não, khu phố 1, phường Bình An.
Năm 1989, ông Lung mua 1.000m2 đất thổ cư và được chính quyền cấp phép xây dựng nhà cấp 1 và một nhà cấp 3 có diện tích xây dựng hết 1.000m2 đất. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình đi thuê nhà trọ ở để hai căn nhà cho chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN thuê lấy tiền nuôi các con ăn học. Nhà ông Lung nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị đập phá chỉ được nhận bồi thường 2,3 tỉ đồng. Ban Bồi thường quận 2 chỉ tính bồi thường 200m2 đất ở, 800m2 nhà còn lại tính giá đất nông nghiệp theo Nghị định 22/CP của Chính phủ. Trong khi giá đất thị trường tại mặt tiền đường Trần Não (con đường có giá cao nhất quận 2) là 100 triệu đồng/m2.
Năm 2008 khách đến mua trả giá 50 tỉ đồng nhưng ông không bán. Khi chính quyền quận đem thông báo cưỡng chế đến, mẹ ông Lung là bà Mai Thị Năm, 80 tuổi do hoảng sợ bị xốc, tai biến mạch máu não nằm tới nay. Bà Trần Thị Chuốt 70 tuổi, ở tổ 79, khu phố 6, phường An Khánh, khi đoàn cưỡng chế đến, đang bệnh nằm tại nhà, đoàn cưỡng chế bốc bà lên xe chở đi, hai ngày sau bà qua đời. Vợ chồng anh Huỳnh Văn Minh và chị Huỳnh Thị Hồng Loan cùng đứa con có tài sản chung với cha chị Loan tại căn nhà B10/8b, khu phố 1, phường Bình An. Căn nhà này có 3 hộ riêng biệt, nhưng do thái độ vô trách nhiệm của Ban Bồi thường, khi trả tiền đền bù thì giao hết cho cha chị Loan, người cha bạc nghĩa này đã gom hết tiền, dắt vợ bé đi biệt xứ, để đàn con ra ngoài che tấm vải cao-su sinh sống bên hè đường.
Nhiều lần UBND quận 2 và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh hứa sẽ tìm cách khắc phục. Vậy mà hơn hai năm nay cuộc sống của những gia đình này vẫn phải chịu đựng nỗi đắng cay màn trời chiếu đất chua xót khi những cơn mưa chiều ập xuống. Hộ bà Lê Thị Thu Hương, nhà mua của Nhà nước hóa giá theo Nghị định 61/CP, được cấp sổ đỏ vào năm 2000, nhà, đất nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị cưỡng chế đập phá. Chồng bà Hương đang làm việc cho một cơ quan của Liên Hợp Quốc ở Mỹ, mẹ con bà mất việc làm, đi thuê nhà trọ còn bị chính quyền hãm hại. Chồng bà Hương đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ. Đơn được chuyển về quận 2 nhưng chính quyền địa phương vẫn vô cảm. Hộ ông Nguyễn Văn Khương, con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dương có 3 căn nhà mặt tiền đường Lương Định Của nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị cưỡng chế đập bỏ. Cả ba căn nhà xây, có một căn mua theo Nghị định 61/CP với diện tích 254m2 đất thổ cư chỉ được bồi thường 616 triệu đồng. Vì quá đau xót khi thấy đoàn cưỡng chế đến, bà Vũ Thị Đàm, 70 tuổi mẹ ông Khương là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Dương ngất xỉu tại chỗ rồi bị tai biến mạch máu não. Căn nhà chị Nguyễn Thị Trúc Ly ở số 23/6B, khu phố 1, phường Bình An ở vị trí mặt tiền đường Trần Não và nằm ngoài ranh quy hoạch, diện tích 140m2 chỉ được bồi thường 428 triệu đồng, không thể mua nổi 5m2 đất ruộng tại chỗ, vì giá thị trường mặt tiền đường Trần Não 100 triệu đồng/m2. Trong khi chị Ly mang thai sắp đến ngày sinh con đoàn cưỡng chế vẫn thực hiện “trẻ không tha, già không thương”. Cả 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch đều bị quận 2 đập phá. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể kể hết nỗi khổ của gần 3.000 gia đình bị đập phá nhà oan sai.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/phap-luat/du-an-khu-do-thi-moi-thu-thiem-tp-ho-chi-minh-vung-dat-vang-bo-hoang-17-nam-xay-ra-nhieu-tieu-cuc.html
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
16/10/2013
Việc áp giá đền bù chỉ tính riêng đối với hơn 11.500 hộ dân nằm trong khu quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) là trái với các nghị định của Chính phủ. Hầu hết nhà dân bị đập bỏ để thu hồi đất từ năm 2010 trở lại đây, nhưng không có phương án bồi thường được duyệt là làm trái Điều 28 Luật Đất đai 1993, trái với Điều 50 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Việc bồi thường thiệt hại chỉ căn cứ các quyết định số 188/QĐ-UB ngày 28/7/2004 về sửa đổi, bổ sung quyết định số 135/QĐ-UB ngày 21/11/2002 của UBND thành phố quy định về đền bù thiệt hại và quyết định số 773/QĐ-UB kí ngày 26/3/2003 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt đơn giá đất ở đối với khu ĐTMTT là trái với quy định của pháp luật.
Hội đồng Bồi thường GPMB Dự án Khu ĐTMTT vẫn căn cứ vào các quyết định sai để “chế biến” chiết tính bồi thường hỗ trợ thiệt hại, trình UBND quận 2 phê duyệt và chi trả là trái pháp luật, dẫn tới các mức giá bồi thường mập mờ, vô nguyên tắc, mất dân chủ, tiền hậu bất nhất. Ban đầu thì hỗ trợ đất mặt tiền 3 triệu đồng/m2, những hộ ở phía sau 2,6 triệu đồng/m2. Sau khi người dân gửi đơn khiếu nại thì nâng giá hỗ trợ đất ở lên 4 triệu đồng/m2 còn đất nông nghiệp chỉ 50.000 đồng/m2. Người dân khiếu nại thì đất ở được hỗ trợ lên 12 triệu đồng/m2. Dân tiếp tục khiếu nại thì chính quyền phải tăng lên 16,7 triệu đồng/m2. Tài sản hợp pháp của hàng chục nghìn hộ dân mà chính quyền quận 2 muốn ngã giá bao nhiêu thì tùy. Không thể có kiểu quy định về giá bồi thường mà mức cứ dao động đi lên theo “làn sóng” phản đối của người dân? UBND quận 2 và Ban Quản lí Dự án ĐTMTT đã áp dụng kiểu giá áp đặt, cửa quyền: Cứ mỗi lần dân đòi thì chính quyền quận nhích lên một mức khác; đất thì “đánh tráo” vị trí, đưa vào rồi lại rút ra; giá cả lên xuống liên tục. Số phận gần 3.000 căn nhà ở của dân đang sinh sống ổn định, nằm ngoài ranh quy hoạch không có quyết định thu hồi đất cũng bị cưỡng chế trái pháp luật, đập phá tan tành, áp đặt giá rẻ hơn cả những hộ nằm trong ranh quy hoạch.
Những khu đất vàng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Nhà, đất có chủ quyền thì bồi thường thấp, nhà ẩn nấp pháp luật thì được đền bù cao?
Cùng một khu đất như nhau, có hàng nghìn căn nhà nằm ngoài ranh quy hoạch, được UBND thành phố Hồ Chí Minh bán theo Nghị định 61/CP sau khi khu ĐTMTT đã được quy hoạch, khi bồi thường giá lại thấp hơn những căn hộ sử dụng đất công thổ không có chủ quyền. Trường hợp nhà của bà Lê Thị Thu Hương ở C8/9, đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2. Xây một trệt, một lầu 130,29m2 mà chỉ được bồi thường 2,5 triệu đồng/m2, phải bị trừ đi diện tích quy hoạch lộ giới để được cấp chủ quyền về nhà ở, đất ở. Còn hàng nghìn hộ khác không được cấp chủ quyền, phần diện tích quy hoạch lộ giới chưa bị trừ ra thì vẫn được bồi thường? Trước cửa nhà bà Hương và một số hộ dân khác có một khoảnh đất trống thuộc ranh quy hoạch lộ giới, UBND phường Bình Khánh, bất chấp luật pháp, tự tiện cho nhiều hộ dân đổ đất thuê mặt bằng làm cửa hàng kinh doanh để phường thu lợi.
UBND phường buộc các hộ này kí cam kết: Khi nào Nhà nước giải phóng mặt bằng thì tự tháo dỡ di dời và không được bồi thường. Vậy mà khi giải tỏa thu hồi đất giao cho Dự án Khu ĐTMTT thì ông Chủ tịch UBND phường Bình Khánh vẫn kí xác nhận cho tất cả các hộ này nhận tiền bồi thường với giá cao hơn giá của những căn nhà có sổ đỏ? Ngoài được hỗ trợ di dời 16,7 triệu đồng/m2 những căn nhà được UBND thành phố Hồ Chí Minh bán và cấp chủ quyền hợp pháp, nằm ở vị trí mặt tiền thì chỉ được nhận số tiền hỗ trợ di dời 16 triệu đồng/m2 (thấp hơn 700.000 đồng/m2) họ còn bị trừ đi phần diện tích quy hoạch ranh lộ giới. Còn nhà chung cư giá từ 3,5 đến 6,5 triệu đồng/m2, hộ dân nào nhận mua nhà thì tiền hỗ trợ 16 triệu đồng/m2 cũng bị mất. Hai căn nhà của gia đình ông Lê Văn Lung có tổng diện tích 1.000m2 ở số 9, mặt tiền đường Trần Não thuộc khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch chỉ bồi thường 2,35 triệu đồng/m2 trong hạn mức 200m2. Diện tích 800m2 còn lại chỉ hỗ trợ giá đất nông nghiệp. Năm 1990, ông Lung đã được chính quyền cấp chủ quyền về đất ở (giá thị trường ở con đường này khoảng 100 triệu đồng/m2).
Những khái niệm đất liền kề, đất trồng cây lâu năm… đều bị Ban Quản lí Dự án và UBND quận 2 bãi bỏ hết. Luật quy định về thẩm quyền giao đất và hạn mức giao đất, UBND quận 2 lại cho ra khái niệm, “hạn mức đất được bồi thường không quá 200m2”. Thật trớ trêu, những sai phạm của Chủ tịch UBND phường Bình Khánh là cố ý làm trái. Có lần ông Chủ tịch còn cởi áo tại trụ sở UBND phường xông vào đòi đánh dân, vò nát công văn của Văn phòng Chính phủ ném xuống đất, thách đố, chửi bới những người dân đi khiếu nại với lời lẽ vô văn hóa đã bị công luận lên án gay gắt, nhưng vẫn không bị xử lí mà còn được thăng tiến lên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 2. Gần 3.000 căn nhà nằm ngoài ranh quy hoạch khu ĐTMTT bị chính quyền quận 2 cưỡng chế trái phép, đập phá tan tành cần phải được xem xét, bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong 10 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (từ 1996 – 2006) UBND quận 2 mới có thư mời Trưởng khu phố trở lên dự họp triển khai quy hoạch tỉ lệ 1/5000 và quy hoạch chi tiết 1/2000. Trong 10 năm, UBND TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành các bước chuẩn bị đầu tiên… vừa tiến hành “phân phối, cấp phát” hàng trăm héc-ta đất cho 64 doanh nghiệp, có 28 doanh nghiệp nằm gọn trong phần diện tích 637ha đã được quy hoạch khu ĐTMTT. Khu ĐTMTT bị xé nát vì bị thiếu hụt diện tích trầm trọng.
Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh kí quyết định số 13585/ KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm (kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/2000): Diện tích khu vực quy hoạch: 748ha (giảm 22ha so với quyết định số 367/TTg của Chính phủ), trong đó: Diện tích đất 618ha (giảm 19ha); mặt nước sông Sài Gòn: 130ha (giảm 3ha). Diện tích cả ba khu vực đều giảm là do nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy chủ trương: "Tránh tối đa việc giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định".
Mặc dù khu ĐTMTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch. Bản đồ quy hoạch gồm các bản vẽ, sơ đồ, quy hoạch sử dụng đất). Trong quá trình thực hiện dự án, UBND thành phố, UBND quận 2 cất giấu bản đồ quy hoạch chung 1/5000 và bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 của Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt để lừa dân, để lại một hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10514
(Thứ Năm, 03/10/2013-9:39 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 2: Xé nát quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm?
Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban Quản lí Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) do ông Nguyễn Văn Đua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy (nay là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy) làm Trưởng ban. Căn cứ văn bản đề nghị số 70/UB-TH ngày 4/1/2002 gửi Thủ tướng Chính phủ “Về việc thu hồi đất và đền bù, giải tỏa, tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm” của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải kí ngày 22/2/2002, Thủ tướng Chính phủ có công văn hỏa tốc số 190/CP-NN gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Địa chính với nội dung chỉ đạo: “Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 930ha đất (bao gồm 770ha để xây khu trung tâm đô thị mới và 160ha đất xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường: An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn quận 2 để giao cho Ban quản lí Đầu tư - Xây dựng Khu ĐTMTT… nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Theo quyết định số 367 thì 930ha của dự án có 133ha mặt nước sông Sài Gòn chỉ còn lại 767ha đất được thu hồi trên thực tế thuộc 5 phường nêu trên có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.084ha, 160ha đất xây dựng khu tái định cư và 637ha đất xây dựng khu trung tâm ĐTMTT.
Ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo số 77/TB-VP về ý kiến kết luận của ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND thành phố về việc tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm, giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu đất tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm ĐTMTT. Đồng thời rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160ha đất để xây dựng các khu tái định cư. Từ nội dung thông báo số 77 này thì 160ha đất xây dựng khu tái định cư cho người dân đã biến mất khỏi vị trí giáp ranh với trung tâm khu ĐTMTT, vì cụm từ “trên địa bàn quận 2”. Trớ trêu thay, cũng trong ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh kí tiếp thông báo hỏa tốc số 78/ TB-VP “Thông báo nội dung kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Hải về xác định ranh giới khu tái định cư phục vụ đền bù giải tỏa cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Nội dung thông báo này “xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư… phải bảo đảm đủ 160ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cả hai thông báo này về hình thức thì “tuân thủ” và “chấp hành nghiêm túc” chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng trên thực tế những người thực hiện đã “rút ruột đánh tráo vị trí, ranh giới” khu tái định cư 160ha liền kề khu ĐTMTT. Thể hiện ở nội dung 2 thông báo là “không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2. Có thể xem xét thu hồi đất tại những khu vực cần thiết dù đã có dự án đầu tư, có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng”. Trong khi quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: “Khu tái định cư 160ha nằm giáp ranh với khu trung tâm ĐTMTT”. Trong cùng một ngày Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành hai thông báo hỏa tốc có nội dung “chế biến” loại bỏ 160ha đất xây dựng khu tái định cư cho người dân bị giải tỏa trắng ra khỏi khu vực kế cận khu trung tâm ĐTMTT. Sự xáo trộn về quy hoạch khu ĐTMTT cũng từ những “thông báo hỏa tốc” này. Không những hàng chục nghìn căn hộ nằm trong ranh quy hoạch mà nỗi đau bão táp tột cùng của gần 3.000 căn nhà dân đang sinh sống ổn định tại 5 phường nằm ngoài ranh quy hoạch đã bị cưỡng chế trái pháp luật, bị đập phá tan tành.
Khu nhà dân đập phá xong rồi bỏ hoang từ đó đến nay.
Chính phủ duyệt 770ha, thu hồi hơn 1.000ha
Sau khi có hai “thông báo hỏa tốc” trong cùng một ngày của Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/4/2002, Kiến trúc sư trưởng thành phố có tờ trình số 1090/KTST-QH gửi Thường trực UBND thành phố khẳng định ranh giới, phạm vi điều chỉnh quy hoạch.
Diện tích khu vực quy hoạch: Bảo đảm lấy theo đúng quy mô diện tích đã được xác định tại quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Khu trung tâm Thủ Thiêm (đô thị mới): 770ha.
Trong đó: Diện tích mặt đất và kênh rạch: 640ha; diện tích mặt nước sông Sài Gòn: 130ha; khu tái định cư: 160ha.
Trong nội dung tờ trình số 1090/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố kí ngày 5/4/2002 và quyết định số 13585/KTST-QH do Kiến trúc sư trưởng thành phố kí ngày 16/9/1998 khẳng định, minh bạch bản đồ quy hoạch chi tiết về vị trí, ranh giới vẫn còn 3 khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch. Chỉ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với khu trung tâm ĐTMTT 770ha (bao gồm 637ha đất + 130ha mặt nước sông Sài Gòn) không liên quan, không ảnh hưởng gì tới khu tái định cư 160ha. Văn bản số 4945/ CV-GTĐ của Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất thành phố gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/5/2002 đề xuất vị trí khu ĐTMTT cũng y như nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và của Kiến trúc sư trưởng thành phố. Điều phi lí là, ngày 3/5/2002, ông Nguyễn Văn Đua, Trưởng ban Quản lí khu ĐTMTT kí tờ trình số 06/TT-BQL gửi UBND thành phố về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu ĐTMTT. Ở nội dung văn bản này phần trên thì trích dẫn các căn cứ và tuân thủ theo nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định phê duyệt của Kiến trúc sư trưởng; nhưng phần vị trí ranh giới thu hồi đất của dự án thì nêu chung chung “tại các phường: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, An Khánh, Bình An và Bình Khánh thuộc quận 2 theo bản đồ do Công ty Đo đạc Địa chính - Công trình thiết lập”. Cũng cùng ngày này, Phó Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất, ông Nguyễn Thanh Nhàn kí văn bản số 4945/CV-GTĐ khẳng định: “Công ty đo đạc địa chính - Công trình thuộc Tổng cục Địa chính cắm mốc ranh giới cụ thể với diện tích 659ha “Phía Bắc giáp sông Sài Gòn, giáp ranh khu dân cư thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh và các dự án của Công ty TNHH may thêu Lan Anh…”. Căn cứ vào vị trí ranh giới này thì sau khi thu hồi đất giao cho khu ĐTMTT vẫn còn tồn tại 3 khu dân cư không bị giải tỏa (gồm khu phố 5 + 6 phường An Khánh, khu phố 1 phường Bình An, khu phố 1 + 2 phường Bình Khánh). Người dân bức xúc nhất là: Nếu thu hồi 659ha đất cho khu trung tâm thì vẫn còn lại 3 khu dân cư. Tại sao diện tích thu hồi giảm khoảng 80ha mà các khu dân cư nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị đập phá nhà thu hồi đất vượt quá 1.000ha?
11.000 đơn thư tố cáo, khiếu nại
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một đằng, UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một nẻo. Sai phạm dây chuyền liên tục vẫn thuộc về trách nhiệm của nhiều cán bộ chủ chốt ở UBND quận 2. Sau khi “loại bỏ” và bưng bít người dân Bản đồ quy hoạch khu ĐTMTT được Thủ tướng Chính phủ và Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt, Sở Địa chính - Nhà đất đưa ra Bản đồ quy hoạch theo hợp đồng đo đạc cắm mốc số 02/BB-BQL vẽ “ranh dự kiến giao đất” của một đồ án quy hoạch đang nghiên cứu trong tương lai chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, vẽ diện tích khu vực thu hồi đất trong tương lai bao trùm lên cả phường An Khánh, thậm chí còn giải tỏa trắng 3 khu dân cư ở 3 phường An Khánh, Bình Khánh và Bình An mà văn bản 4945 đã mô tả. Những văn bản có nội dung mập mờ hư ảo mị dân như vậy của Ban Quản lí Dự án và hàng loạt văn bản trái pháp luật của UBND thành phố và UBND quận 2 dẫn tới hậu quả kể từ thời điểm các văn bản này ra đời thì vị trí, ranh giới thu hồi đất tại 5 phường trung tâm ở quận 2 đã biến mất. UBND quận 2 liên tục mở “chiến dịch”, đập phá hàng nghìn căn nhà ở của dân, dẫn tới làn sóng khiếu nại, tố cáo lên tới đỉnh điểm. Với hơn 11.000 đơn thư tố cáo khiếu kiện vượt cấp, hàng chục nghìn người mất việc làm, gia đình họ phải sống li tán. Những bức xúc của người dân ở khu ĐTMTT tạo nên điểm nóng khiếu kiện kéo dài vẫn chưa được chính quyền các cấp ở TP Hồ Chí Minh giải quyết dứt điểm.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10519
Pháp luật
(Thứ Sáu, 04/10/2013-9:43 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 3: Khu đất vàng 160ha đất tái định cư bị đánh tráo?
Nội dung của quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Trong 930ha của dự án, có 160ha dành riêng để xây dựng nhà tái định cư cho nhân dân trong vùng bị quy hoạch. Tại Điều 2 quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khu Đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) bao gồm: Hướng dẫn việc thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt; ban hành điều lệ quản lí xây dựng khu ĐTMTT. Khi chưa ban hành điều lệ quản lí xây dựng thì Ban Quản lí Dự án Khu ĐTMTT, UBND quận 2 đã ào ạt giải tỏa nhà dân như những cơn lốc ập xuống khu đất vàng này. Sau 17 năm kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu ĐTMTT đến ngay vẫn chưa có bất cứ văn bản nào của Chính phủ hay của UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tách 160ha đất dành riêng xây dựng khu tái định cư ra xa khu trung tâm khu ĐTMTT. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ diện tích 160ha đất tái định cư cho dân giáp ranh khu quy hoạch và nằm trong phân khu thứ 7 trong 7 phân khu chức năng của khu ĐTMTT. Nghị quyết số 21/2002/NQ-HĐND ngày 29/6/2002 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh cũng nhất trí với chủ trương đầu tư xây dựng khu ĐTMTT với diện tích 930ha, trong đó khu trung tâm là 770ha và 160ha khu tái định cư. Cơ sở pháp lí là vậy, nhưng 160ha đất tái định cư đã biến mất? Vì khu đất 160ha này là quyền lợi của hàng chục nghìn dân đã sinh sống ổn định lâu đời tại khu vực mà Chính phủ giao cho UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng khu tái định cư cho người dân trong vùng dự án được hưởng lợi khi nhà và đất của họ giao cho chính quyền thành phố giải tỏa trắng để thực hiện dự án. Vậy mà họ không được hưởng ưu đãi mà còn bị cưỡng chế, đập phá nhà và phải di dời chỗ ở ra những vùng đất hoang hóa thuộc vùng sâu, vùng xa của quận 2. Có những khu tái định cư, UBND quận 2 xây “ưu đãi” cho người dân giáp ranh tỉnh Đồng Nai, hộ dân nào leo lên lầu ở thì phải cách chỗ ở cũ tới 15km và mất hết nghề nghiệp, việc làm, nguồn thu nhập ổn định. Cay đắng hơn là mất 16 triệu đồng/m2 tiền Nhà nước hỗ trợ mà còn phải kí nhận khoản nợ về số tiền chênh lệch giá bán chung cư quá cao so với giá đền bù.
Hàng chục căn nhà dân đã chỉ còn là đống gạch vụn.
Người dân bị bưng bít thông tin?
Nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đặc biệt vấn đề tái định cư đối với từng dự án được xem như một yêu cầu bắt buộc khi xây dựng dự án đầu tư cũng như khi thẩm định để phê duyệt ở các cấp có thẩm quyền… tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định… những dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân phải đưa ra lấy ý kiến của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực đó về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch, thời gian thực hiện và chính sách đền bù, tái định cư… chính sách đền bù phải bảo đảm tái tạo được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở, đất ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định”. Mặc dù đã có 2 quyết định số 18176/KTST-QH ban hành ngày 14/10/1997 và quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2000 kèm theo 2 bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/2000. Vậy mà, chính quyền quận 2 không thông báo công khai, phổ biến rộng rãi cho người dân biết. Trong rất nhiều lần tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND thành phố và Đại biểu Quốc hội, người dân yêu cầu chính quyền phải công bố công khai đồ án, đồng thời phải tổ chức đối thoại với nhân dân trong vùng dự án, nhưng tất cả mọi đề nghị của người dân đều rơi vào im lặng! Trả lời báo chí, ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta có chính sách tài chính, nhưng chưa có kế hoạch tổng thể để giải quyết những vấn đề phát sinh.” Qua hơn 4 năm thăm dò ý kiến người dân, ông Lịch khẳng định: Hầu hết người dân Thủ Thiêm đều chưa biết khu ĐTMTT mặt mũi ra sao, nhiều thông tin người dân còn mù tịt. Ngay chính quyền cấp phường gần dân nhất cũng không thể trả lời cho dân rõ ràng hơn để dân có thể biết và giám sát việc chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương của Chính phủ về xây dựng khu ĐTMTT.
Đến năm 2006 (tức sau 10 năm công bố quy hoạch) UBND quận 2 mới tổ chức hội nghị phổ biến quy hoạch 1/5000 và 1/2000 nhưng thành phần chỉ mời riêng các “quan” từ ban điều hành khu phố trở lên, còn Tổ trưởng dân phố và người dân thì không được dự. Trong vòng 10 năm ấy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã làm gì mà người dân sở tại mù tịt thông tin về khu ĐTMTT và 160ha đất khu tái định cư? Việc làm này là cố ý làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trái với nghị quyết của Thành ủy và nghị quyết của HĐND thành phố. Việc Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi công văn số 70/UB-TH ngày 4/1/2002 để “xin” Thủ tướng Chính phủ cho thành phố ra quyết định thu hồi 930ha đất thuộc khu ĐTMTT là không phù hợp với quy định về thẩm quyền và thủ tục. Mặc dù Chính phủ không ban hành quyết định thu hồi đất như đề nghị của UBND thành phố mà chỉ có công văn hỏa tốc số 190/CP-NN với nội dung chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách được quy định trong nội dung quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì đây là một quyết định đúng đắn, được tất cả người dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ. Bởi lẽ, họ sẽ có được chỗ ở mới trong khu tái định cư ngay cạnh khu trung tâm khu ĐTMTT. Nhưng niềm tin ấy của hàng chục nghìn hộ dân đã bị dập tắt trong nỗi mong chờ đầy thất vọng khi khu tái định cư 160ha đã bị đánh tráo. Hai bản đồ quy hoạch chi tiết có giá trị pháp lí của khu ĐTMTT cũng bị chính quyền bưng bít mà UBND thành phố trả lời bằng văn bản cho là “bị thất lạc”. Quy hoạch khu ĐTMTT đã bị xé nát theo ý chí chủ quan của một nhóm quan chức. 160ha đất dành xây dựng tái định cư cho dân đã bị tách ra làm 6 khu tái định cư không liền kề với khu ĐTMTT mà nằm rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của quận 2. Có khu tái định cư được xây dựng nằm giáp ranh liền kề với tỉnh Đồng Nai chưa có đường giao thông. Đó là chưa kể đến những điều phi lí về giá bán căn hộ chung cư quá cao, nhưng giá bồi thường lại quá rẻ mạt. Bức xúc nhất là tất cả các văn bản do UBND quận 2 và UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành để thực hiện dự án 930ha khu ĐTMTT đều có nội dung “căn cứ và tuân thủ” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong quá trình thực hiện thì lại “vô hiệu hóa” quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phải chăng “phép vua thua lệ làng?”.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10531
(Thứ Ba, 08/10/2013-8:43 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 4: Đánh tráo quy hoạch, phá phách nhà dân
Quyết định số 367/ TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi riêng khu trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) là 770ha, trong đó có 133ha mặt nước sông Sài Gòn, còn đất liền thu hồi 637ha. Thế nhưng sau khi có "Bản đồ 02/BB-BQL về ranh dự kiến giao đất trong tương lai của Sở Địa chính - Nhà đất thành phố cung cấp, lẽ ra UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND quận 2 và Ban Quản lí Dự án khu ĐTMTT tiến hành thu hồi 737ha (giảm 33ha so quyết định 367 của Thủ tướng) để thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh tỉ lệ 1/2000 tại công văn số 1642/CP-CN ngày 14/11/2003. Vậy mà ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã lấy "ranh dự kiến" làm căn cứ pháp lí ban hành hai quyết định số 6565 và 6566 có nội dung trái pháp luật, coi đây là căn cứ "mở chiến dịch" cho UBND quận 2 cưỡng chế đập phá gần 3.000 căn nhà của dân nằm ngoài ranh quy hoạch được quy định rõ của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi 2 bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 được Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh phê duyệt và bản đồ quy hoạch chung 1/5000 kèm theo tờ trình số 1861/TT-UB QLĐT ngày 27/5/1996 của UBND thành phố Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 367/TTg thì UBND quận 2 không sử dụng làm căn cứ pháp lí, mà làm theo tính tự phát của một "cơ chế" quyền lực áp đặt. UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hai bản đồ đã bị "thất lạc?". Thật phi lí và quá coi thường cuộc sống và sinh mạng của người dân! Tuy sai phạm lớn chưa được khắc phục thì sai phạm lại tiếp tục phát sinh. Lẽ ra, đối với những hộ dân nằm ngoài ranh quy hoạch, chính quyền muốn thu hồi đất thì phải ban hành quyết định thu hồi đất trên cơ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Ngược lại, gần 3.000 ngôi nhà ở của dân nằm ngoài ranh quy hoạch, không liên quan tới quy hoạch mà bị chính quyền quận 2 đập phá không có quyết định thu hồi đất? Đó là hành vi phạm pháp nghiêm trọng về quyền sống, quyền về nhà ở của công dân. Ngày 10/5/2002, ông Vũ Hùng Việt lại kí quyết định số 1997/QĐ-UB về việc thu hồi và giao đất xây dựng khu ĐTMTT, xác định vị trí, ranh giới thu hồi đất không có căn cứ.
Biệt thự của một quan chức TP Hồ Chí Minh ngay mặt tiền sông Sài Gòn ngay khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kí quyết định thay thế quyết định của Thủ tướng Chính phủ?
Ngày 27/12/2005, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 6565/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm ĐTMTT tỉ lệ 1/5000. Tại Điều 2 quyết định này, ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh tự thăng chức cho mình kí: "Quyết định này thay thế quyết định số 367/TTg ngày 04/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ". Trong tất cả các bộ luật của Việt Nam, không có điều, khoản nào quy định: UBND cấp tỉnh, thành phố có quyền ban hành quyết định thay thế và hủy bỏ quyết định của Thủ tướng Chính phủ? Rõ ràng là một quyết định trái pháp luật. Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bị quyết định số 6565/QĐ-UBND của ông Vũ Hùng Việt thay thế, hủy bỏ. Vậy mà quyết định số 6566/QĐ-UBND kí sau đó vài giờ trong ngày 27/12/2005 về quy hoạch chi tiết 1/2000 vẫn tiếp tục "căn cứ vào quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ". Trong công văn số 2005/BXD-KTQH Bộ Xây dựng khẳng định: "Quy mô khu trung tâm ĐTMTT là 737ha. Công văn số 1642 của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ: Cho phép UBND thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch chung khu trung tâm theo ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng với diện tích 737ha. Trong tất cả các quyết định của 3 cấp (quận 2, thành phố, Trung ương) không có một cụm từ nào "cắt bỏ khu tái định cư 160ha" ra khỏi khu giáp ranh với khu trung tâm ĐTMTT? Có nghĩa là trong suốt quá trình thực hiện dự án, dù thay đổi hay điều chỉnh quy hoạch 1/5000 hay 1/2000 đều có thể điều chỉnh các khu chức năng khác trong khu trung tâm, còn khu tái định cư 160ha không thay đổi vị trí. Trong nội dung thông báo số 77/TB-VP, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao trách nhiệm cho UBND quận 2 phải giao đủ 770ha đất, nhưng tại quyết định số 6565/QĐ-UBND thì diện tích đất khu trung tâm được điều chỉnh xuống còn 737ha. 33ha đất còn lại biến đi đâu? 737ha đất khu trung tâm, UBND thành phố Hồ Chí Minh chia nhỏ thành hai khu: Khu đô thị phát triển: 657ha và khu đô thị chỉnh trang: 80ha. Thực chất thì 80ha đất chỉnh trang này hoàn toàn không có trong bản đồ quy hoạch được duyệt theo thiết kế của Công ty SASAKI (Mỹ) là đơn vị trúng thầu thiết kế với giá 600.000 USD và cũng không có trong văn bản chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hay ý kiến của Bộ Xây dựng. Như vậy 80ha đất chỉnh trang đô thị, cá nhân hay tổ chức nào đã bịa đặt ra nó? Trên thực tế 80ha này đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh "cấp phát" cho 64 doanh nghiệp ém sẵn từ 5 năm, 10 năm trước. Các ông chủ này đã phân lô, bán nền kể từ thời điểm sau khi Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 phê duyệt Dự án Khu ĐTMTT cho đến khi có quy hoạch chi tiết Dự án này. Điều này Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã khẳng định tại Hội nghị thẩm định quy hoạch chi tiết khu trung tâm ĐTMTT tại Hà Nội ngày 10/11/2004.
Đưa vào rồi lại rút ra, các đại gia đua xây biệt thự
Trong cùng một ngày (27/12/2005), UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành 2 quyết định số 6565 và 6566 có nội dung đối chọi, chồng chéo nhau. Quyết định số 6565 thì "lạm quyền" hủy bỏ và thay thế quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 6566 thì sử dụng quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ pháp lí để phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm tỉ lệ 1/2000. Quyết định số 6565 đưa 80ha đất chỉnh trang đô thị vào nhằm "che lấp, uốn nắn những sai phạm trước đó" để phù hợp với thẩm định của Bộ Xây dựng về quy mô khu trung tâm 737ha trên giấy tờ. Còn quyết định số 6566 lại rút 80ha đất chỉnh trang ra ngoài và chỉ phê duyệt 657ha đất của khu trung tâm. Việc đưa 80ha vào rồi lại rút ra là cố ý làm trái Điều 13 của Luật Xây dựng. Nếu đưa 80ha đất chỉnh trang vào thì thành phố sẽ không còn đất để thu hồi theo đúng chủ trương của Chính phủ. Bởi đất đã "lỡ ưu ái cấp phát" cho các "đại gia" phân lô, bán nền trước đó rồi. Trò đưa vào rồi lại rút ra 80ha là "ma thuật" hợp thức hóa số liệu 770ha mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhằm khỏa lấp những sai phạm. Cũng vì những hình thức xảo biện này mà 160ha đất dành riêng xây dựng khu tái định cư cho hàng nghìn hộ dân cũng bị "đánh tráo" khỏi vị trí giáp ranh khu trung tâm ĐTMTT. Thay vào đó là các khu đất rời rạc, manh mún xây chung cư cho dân ở các vùng sâu, vùng xa. Nhiều cán bộ lão thành bức xúc: "Việc đưa vào rồi lại rút ra quá nhiều lần gây tốn kém, tranh cãi, còn ở đây, sau nhiều lần đưa vào, rút ra thì lại mọc lên quá nhiều biệt thự của các đại gia và quan chức".
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10542
Thứ Năm, 10/10/2013-8:48 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 5: Nhiều “quan quận” và Ban Quản lí thi nhau chiếm đất của dân
Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hồ Chí Minh khởi động dự án bằng cách cấp phát đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) cho 64 doanh nghiệp, dẫn đến khu ĐTMTT bị thiếu hụt diện tích quá lớn. Một thời gian sau, Chủ tịch UBND thành phố lại gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “…thực tế đất tiếp giáp với khu trung tâm khu ĐTMTT không còn đủ để bố trí khu tái định cư 160ha vì đã có nhiều dự án được giao đất trước năm 2002, diện tích đất còn lại phân tán, không thể thu hồi để xây dựng khu dân cư hiện đại, nên phải bố trí phân tán tại những khu dân cư khác trên địa bàn quận 2”. Trong khi UBND thành phố lại thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Đầu tư - Phát triển Thủ Thiêm trực thuộc Ban Quản lí Đầu tư - Xây dựng khu ĐTMTT. Công ty này được phép khai thác đất vàng là khu dân cư phía Đông và khu dân cư Bắc đại lộ Đông Tây (quận 2) có tổng diện tích 65ha thuộc khu ĐTMTT. Giá trị quyền sử dụng đất được định giá 6.400 tỉ đồng. Tổng số cổ phiếu sẽ được bán cho cổ đông chiến lược. Với tổng số tiền dự kiến thu về trên 8.000 tỉ đồng. Chủ trương thành lập công ty này đã bị đông đảo người dân quận 2 phản đối kịch liệt tại buổi tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố. Họ đặt câu hỏi: - Ban Quản lí lấy đâu ra đất mà có tới 65ha góp vốn? Thực chất là UBND thành phố lấy đất của khu tái định cư đưa vào công ty cổ phần. Đến nay vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù, sổ đỏ họ đang nắm giữ trong tay và liên tục gửi đơn khiếu kiện vì giá đền bù quá rẻ mạt, giá bán căn hộ chung cư quá cao, nhà chung cư chưa đủ cho dân tái định cư… nghĩa là hai khu đất này chưa thu hồi xong, vậy mà cách đây chục năm chính quyền thành phố đã vội vã cho phép Ban Quản lí Dự án thành lập công ty để lấy đất hợp pháp của người dân làm vốn cổ phần hóa? Rõ ràng những khiếu kiện bức xúc của người dân cho rằng 160ha đất tái định cư đã bị “đánh tráo” là có cơ sở. Giá đền bù cho người dân ở nhiều mức khác nhau, nhưng cũng chỉ tính đến hàng trăm nghìn, còn giá đất góp vốn cổ phần hóa thì thu lợi từ 10 - 12,5 triệu đồng/m2.
Các “quan”chiếm nền đất bán kiếm lời to
Trong khi nỗi đau của trên 14.500 hộ dân bị cưỡng chế phải tá túc trong những căn phòng lụp xụp tại các khu “tạm cư” thiếu thốn mọi bề, tài sản bị chất đống một chỗ. Vậy mà nhiều cán bộ của quận 2 lại thi nhau chiếm đất nền bán kiếm lời bất chính. Ngày 31/7/1999, UBND quận 2 ra thông báo số 217/TB-UB giải quyết bán đợt 1 với 112 nền nhà từ 100 đến 200m2/nền (590.000 đồng/m2). Đối tượng được mua nền là cán bộ, công chức, cán bộ hợp đồng ở quận 2. Tiêu chuẩn được xét bán nền nhà đợt 1 phải là người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở như đang ở nhà thuê, ở chung với cha mẹ trong gia đình có nhân khẩu đông. Quy định thì chặt chẽ như vậy, nhưng trên thực tế thì họ đã ngấm ngầm mua bán chia quyền lợi cho nhau. Danh sách bán nền nhà đợt 1 có 87 cán bộ, công nhân viên “đủ tiêu chuẩn” thì hơn 50% số đối tượng là những “quan bự” đã có nhiều nhà, đất và có cuộc sống phong lưu. Có những đối tượng này không tham gia công tác ở quận 2 như các cán bộ ở Ngân hàng NN&PTNN có tới 15 người được xét mua diện tích nền vượt quá hạn mức quy định, như Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 Nguyễn Văn Đồng được mua 407,5m2; Đội trưởng Đội Thi hành án Nguyễn Văn Ấn: 390,6m2; Nguyễn Việt Thắng, cán bộ Phòng Tổ chức Chính quyền 306,1m2; Hoàng Văn Toàn, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Quận ủy 365,6m2. Những cán bộ “bự” này đều đã có nhà ở khang trang, thậm chí có người có 2 đến 3 căn nhà ở địa điểm khác.
Khu đất của Công ty Huy Hoàng được bao hàng rào tôn bỏ hoang.
Ngoài các “đại gia” này còn có hàng loạt “cán bộ bự” được cấp đất nền như Nguyễn Thị Minh Trí, Phòng Giáo dục và Đào tạo lô 24 diện tích 304,4m2; Nguyễn Thị Thanh, Phòng Thống kê lô 22, diện tích 300m2; Nguyễn Việt Thắng, Phòng Tổ chức Chính quyền lô 16, diện tích 306,1m2; Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN lô 20 diện tích 153,9m2. Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 lô C1 diện tích 407,5m2; Trương Đình Cẩm, Giám đốc Kho bạc Nhà nước lô 96 diện tích 180m2; Nguyễn Quang Dũng, Kế toán trưởng Ban Quản lí Dự án lô 28 diện tích 252,6m2; Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Quận đoàn lô 43, diện tích 147,5m2 và nhiều cán bộ khác.
Nỗi đau và bức xúc nhất của hàng chục nghìn hộ dân ở quận 2 là: Trong khi triển khai khu ĐTMTT và Dự án Đại lộ Đông - Tây thì UBND quận 2 “kêu ca” không còn đất để xây nhà tái định cư cho dân. Vậy mà vẫn còn những dự án ngầm phân lô bán nền cho cán bộ với giá rẻ như cho. Hơn 70% số cán bộ được ưu ái bán nền giá rẻ đã bán lại sang tên kiếm chênh lệch hàng tỉ đồng.
Chính quyền làm sai, Quận ủy bao che?
Sau khi các cán bộ lão thành và cử tri quận 2 phản đối gay gắt, ngày 25/2/2005, Quận ủy quận 2 có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh để giải trình về dự án “chia chác” này. Nội dung báo cáo giấu đầu hở đuôi. Phần trên khẳng định việc xét duyệt bán đất cho cán bộ, công nhân viên trong quận đúng đối tượng và tiêu chuẩn, phần dưới “lòi cái đuôi” sai phạm, rồi công nhận “một số đồng chí chưa thật sự khó khăn về nhà ở vẫn được giải quyết đất nền”. Trên thực tế thì đã có hàng loạt cán bộ không khó khăn về nhà ở, trong đó có 4 cán bộ đầu ngành là Giám đốc Bảo hiểm Xã hội, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 tuy đã có nhà ở đất ở ổn định, cuộc sống quá sung túc, họ vẫn được bán nền nhà với diện tích lớn, kiếm lời bạc tỉ. Quận ủy quận 2 “xảo biện” rằng: “Do không có tiền trả, vay tiền để mua, thấy dự án kéo dài…” để bao che cho những sai phạm của UBND quận, bởi khi nộp đơn xin duyệt mua nền nhà, đâu có cán bộ nào kêu ca khó khăn về tài chính. Hội đồng xét duyệt đơn mua nền của cán bộ, công nhân viên quận 2 trong dự án “chia chác” này do bà Thái Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận 2 làm Chủ tịch Hội đồng đã có báo cáo giải trình với nội dung bao che cho sai phạm rằng những cán bộ, công nhân viên được duyệt bán nền đất là do: “…ở xa trên 15km, thậm chí 30km chưa có chỗ ở phải ở nhờ, thuê mướn chật chội…”. Bà Hạnh khẳng định, 87 người được cấp đợt đầu là có nhu cầu cấp thiết nhất về nhà ở. Bà cố ý khẳng định: “Việc xét duyệt chặt chẽ, công khai, thể hiện trách nhiệm cao” nhưng sự thật thì ngược lại và vẫn còn những “khe hở” quá rộng bà đã giấu để nói dối cấp trên. Thế rồi các thành viên trong Hội đồng tự duyệt đất cho nhau, có 7 thành viên trong hội đồng thì có 3 người đã được Hội đồng cấp nền: Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Tổ chức Chính quyền quận 2 được mua 306m2; Chánh Văn phòng Quận ủy quận 2, ông Đinh Quang Nghị được mua 224m2; Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Công ty Quản lí và Phát triển nhà quận 2 được “mua” 407m2. Trong khi trên văn bản thì hạn mức được duyệt mua tối đa mà UBND quận 2 quy định không quá 200m2. 3 quan chức này “bốc thăm” trúng ngay vị trí đẹp nhất của dự án và ngay sau khi được duyệt cả 3 “quan quận” này đã bán kiếm lời hàng tỉ đồng
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=10571
(Thứ Sáu, 11/10/2013-9:34 AM)
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
Kì 6: Đập phá tan tành gần 3.000 căn nhà
UBND quận 2 cưỡng chế, đập phá tan tành gần 3.000 căn nhà của dân nằm ngoài ranh quy hoạch. Trong đó có trên 1.000 căn được UBND thành phố Hồ Chí Minh duyệt bán theo nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ và cấp chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở, quyền sử dụng về đất ở từ năm 2000. Vì sau khi có quyết định phê duyệt diện tích đất thu hồi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) 930ha từ năm 1996 thì các khu vực tập trung đông dân cư mà nghị quyết số 18/ NQ-TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Tránh tối đa việc điều chỉnh giải tỏa đối với các khu vực tập trung đông dân cư đã có nhà ở và cuộc sống ổn định”. Những khu vực này gồm có 3 cụm dân cư tập trung đông dân nhất, đó là khu phố 1, phường Bình An; khu phố 1 + 2 phường Bình Khánh và khu phố 5 + 6 phường An Khánh đều nằm ngoài ranh quy hoạch khu ĐTMTT theo bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt. Riêng khu phố 1, phường Bình An có tới 910 căn nhà bị cưỡng chế đập phá trái pháp luật. Nếu tính cả 5 khu phố thì gần 3.000 căn nhà đã bị đập phá đổ nát.
Trước khi bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ ở khu vực này thì UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 4246/QĐ-UB-QLĐT về các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. UBND quận 2 cũng có công văn số 817/CV-UB-QLĐT ngày 25/12/1997 gửi UBND thành phố. Ngày 3/1/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố có tờ trình số 98/KTST-QH về việc quy hoạch điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc quyền sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận 2, TP Hồ Chí Minh. Dựa trên những căn cứ pháp lí này, mãi tới năm 2000 thì UBND thành phố Hồ Chí Minh mới tiến hành kí quyết định bán nhà sở hữu Nhà nước tại 5 khu phố nêu trên và cấp chủ quyền về nhà ở và quyền sử dụng về đất ở cho hơn 1.000 hộ dân và cán bộ đã đóng tiền mua nhà. Như vậy, hàng nghìn căn nhà đã được UBND thành phố cấp chủ quyền từ năm 2000 đều nằm ngoài ranh quy hoạch khu ĐTMTT. UBND quận 2 căn cứ vào 3 quyết định có nội dung trái pháp luật (các số 1997, số 6565 và số 6566) do ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kí để cưỡng chế đập bỏ nhà dân là cố ý làm trái. Việc làm này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong báo cáo kết luận số 2574/BC-TTCP ngày 20/10/2009: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó… Tuy nhiên UBND quận 2 đã không làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”.
Những căn nhà ở của dân chỉ còn là đống gạch vụn.
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”...
Gia đình ông Phan Thanh Liêm ở số nhà B30/2, khu phố 1, phường Bình An có nhà nằm ngoài ranh quy hoạch. Hai vợ chồng đều là cán bộ nghỉ hưu dành dụm cả đời mua được căn nhà cấp 4 diện tích 45m2 gắn liền 117,15m2 đất. Được Nhà nước hóa giá theo Nghị định 61/CP, được UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp chủ quyền nhà ở đất ở năm 2000. Tuy không có quyết định thu hồi đất nhưng cũng bị chính quyền quận 2 cưỡng chế đập bỏ. Hiện tại gia đình ông đi thuê nhà trọ ở quận 9 vì giá đền bù rẻ mạt không mua nổi căn hộ chung cư. Hộ ông Lê Liên Dân ở B22/5, khu phố 1, phường Bình An mua theo Nghị định 61/CP có diện tích xây dựng 44,73m2 và 143m2 đất thổ cư đã bị đập phá tan hoang. Ông Nguyễn Tiền Phong ở số A/14, khu phố 5, phường An Khánh, tham gia cách mạng năm 1962 bị nhiễm chất độc da cam, ông bị ung thư chết năm 2008. Năm 1989, vợ chồng ông mua 200m2 đất cất nhà ở, sau đó mua thêm 1.000m2 đất để phân chia cho các con tách hộ, cất nhà ở riêng, tổng cộng là 3 hộ gia đình nhưng chỉ được bồi thường 100m2, số còn lại chỉ đền bù 50 nghìn đồng/m2 theo giá đất nông nghiệp. Người con gái bị nhiễm chất độc da cam nhưng cũng bị chính quyền cưỡng chế phá nhà. Hộ ông Lê Văn Lung ở số 9 mặt tiền đường Trần Não, khu phố 1, phường Bình An.
Năm 1989, ông Lung mua 1.000m2 đất thổ cư và được chính quyền cấp phép xây dựng nhà cấp 1 và một nhà cấp 3 có diện tích xây dựng hết 1.000m2 đất. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình đi thuê nhà trọ ở để hai căn nhà cho chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN thuê lấy tiền nuôi các con ăn học. Nhà ông Lung nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị đập phá chỉ được nhận bồi thường 2,3 tỉ đồng. Ban Bồi thường quận 2 chỉ tính bồi thường 200m2 đất ở, 800m2 nhà còn lại tính giá đất nông nghiệp theo Nghị định 22/CP của Chính phủ. Trong khi giá đất thị trường tại mặt tiền đường Trần Não (con đường có giá cao nhất quận 2) là 100 triệu đồng/m2.
Năm 2008 khách đến mua trả giá 50 tỉ đồng nhưng ông không bán. Khi chính quyền quận đem thông báo cưỡng chế đến, mẹ ông Lung là bà Mai Thị Năm, 80 tuổi do hoảng sợ bị xốc, tai biến mạch máu não nằm tới nay. Bà Trần Thị Chuốt 70 tuổi, ở tổ 79, khu phố 6, phường An Khánh, khi đoàn cưỡng chế đến, đang bệnh nằm tại nhà, đoàn cưỡng chế bốc bà lên xe chở đi, hai ngày sau bà qua đời. Vợ chồng anh Huỳnh Văn Minh và chị Huỳnh Thị Hồng Loan cùng đứa con có tài sản chung với cha chị Loan tại căn nhà B10/8b, khu phố 1, phường Bình An. Căn nhà này có 3 hộ riêng biệt, nhưng do thái độ vô trách nhiệm của Ban Bồi thường, khi trả tiền đền bù thì giao hết cho cha chị Loan, người cha bạc nghĩa này đã gom hết tiền, dắt vợ bé đi biệt xứ, để đàn con ra ngoài che tấm vải cao-su sinh sống bên hè đường.
Nhiều lần UBND quận 2 và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh hứa sẽ tìm cách khắc phục. Vậy mà hơn hai năm nay cuộc sống của những gia đình này vẫn phải chịu đựng nỗi đắng cay màn trời chiếu đất chua xót khi những cơn mưa chiều ập xuống. Hộ bà Lê Thị Thu Hương, nhà mua của Nhà nước hóa giá theo Nghị định 61/CP, được cấp sổ đỏ vào năm 2000, nhà, đất nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị cưỡng chế đập phá. Chồng bà Hương đang làm việc cho một cơ quan của Liên Hợp Quốc ở Mỹ, mẹ con bà mất việc làm, đi thuê nhà trọ còn bị chính quyền hãm hại. Chồng bà Hương đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ. Đơn được chuyển về quận 2 nhưng chính quyền địa phương vẫn vô cảm. Hộ ông Nguyễn Văn Khương, con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dương có 3 căn nhà mặt tiền đường Lương Định Của nằm ngoài ranh quy hoạch cũng bị cưỡng chế đập bỏ. Cả ba căn nhà xây, có một căn mua theo Nghị định 61/CP với diện tích 254m2 đất thổ cư chỉ được bồi thường 616 triệu đồng. Vì quá đau xót khi thấy đoàn cưỡng chế đến, bà Vũ Thị Đàm, 70 tuổi mẹ ông Khương là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Dương ngất xỉu tại chỗ rồi bị tai biến mạch máu não. Căn nhà chị Nguyễn Thị Trúc Ly ở số 23/6B, khu phố 1, phường Bình An ở vị trí mặt tiền đường Trần Não và nằm ngoài ranh quy hoạch, diện tích 140m2 chỉ được bồi thường 428 triệu đồng, không thể mua nổi 5m2 đất ruộng tại chỗ, vì giá thị trường mặt tiền đường Trần Não 100 triệu đồng/m2. Trong khi chị Ly mang thai sắp đến ngày sinh con đoàn cưỡng chế vẫn thực hiện “trẻ không tha, già không thương”. Cả 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch đều bị quận 2 đập phá. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể kể hết nỗi khổ của gần 3.000 gia đình bị đập phá nhà oan sai.
Thiên Thanh - Hải Đăng - Tùng Lâm - Thanh Hằng
http://nguoicaotuoi.org.vn/phap-luat/du-an-khu-do-thi-moi-thu-thiem-tp-ho-chi-minh-vung-dat-vang-bo-hoang-17-nam-xay-ra-nhieu-tieu-cuc.html
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh: Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu cực
16/10/2013
Việc áp giá đền bù chỉ tính riêng đối với hơn 11.500 hộ dân nằm trong khu quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) là trái với các nghị định của Chính phủ. Hầu hết nhà dân bị đập bỏ để thu hồi đất từ năm 2010 trở lại đây, nhưng không có phương án bồi thường được duyệt là làm trái Điều 28 Luật Đất đai 1993, trái với Điều 50 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Việc bồi thường thiệt hại chỉ căn cứ các quyết định số 188/QĐ-UB ngày 28/7/2004 về sửa đổi, bổ sung quyết định số 135/QĐ-UB ngày 21/11/2002 của UBND thành phố quy định về đền bù thiệt hại và quyết định số 773/QĐ-UB kí ngày 26/3/2003 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt đơn giá đất ở đối với khu ĐTMTT là trái với quy định của pháp luật.
Hội đồng Bồi thường GPMB Dự án Khu ĐTMTT vẫn căn cứ vào các quyết định sai để “chế biến” chiết tính bồi thường hỗ trợ thiệt hại, trình UBND quận 2 phê duyệt và chi trả là trái pháp luật, dẫn tới các mức giá bồi thường mập mờ, vô nguyên tắc, mất dân chủ, tiền hậu bất nhất. Ban đầu thì hỗ trợ đất mặt tiền 3 triệu đồng/m2, những hộ ở phía sau 2,6 triệu đồng/m2. Sau khi người dân gửi đơn khiếu nại thì nâng giá hỗ trợ đất ở lên 4 triệu đồng/m2 còn đất nông nghiệp chỉ 50.000 đồng/m2. Người dân khiếu nại thì đất ở được hỗ trợ lên 12 triệu đồng/m2. Dân tiếp tục khiếu nại thì chính quyền phải tăng lên 16,7 triệu đồng/m2. Tài sản hợp pháp của hàng chục nghìn hộ dân mà chính quyền quận 2 muốn ngã giá bao nhiêu thì tùy. Không thể có kiểu quy định về giá bồi thường mà mức cứ dao động đi lên theo “làn sóng” phản đối của người dân? UBND quận 2 và Ban Quản lí Dự án ĐTMTT đã áp dụng kiểu giá áp đặt, cửa quyền: Cứ mỗi lần dân đòi thì chính quyền quận nhích lên một mức khác; đất thì “đánh tráo” vị trí, đưa vào rồi lại rút ra; giá cả lên xuống liên tục. Số phận gần 3.000 căn nhà ở của dân đang sinh sống ổn định, nằm ngoài ranh quy hoạch không có quyết định thu hồi đất cũng bị cưỡng chế trái pháp luật, đập phá tan tành, áp đặt giá rẻ hơn cả những hộ nằm trong ranh quy hoạch.
Những khu đất vàng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Nhà, đất có chủ quyền thì bồi thường thấp, nhà ẩn nấp pháp luật thì được đền bù cao?
Cùng một khu đất như nhau, có hàng nghìn căn nhà nằm ngoài ranh quy hoạch, được UBND thành phố Hồ Chí Minh bán theo Nghị định 61/CP sau khi khu ĐTMTT đã được quy hoạch, khi bồi thường giá lại thấp hơn những căn hộ sử dụng đất công thổ không có chủ quyền. Trường hợp nhà của bà Lê Thị Thu Hương ở C8/9, đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2. Xây một trệt, một lầu 130,29m2 mà chỉ được bồi thường 2,5 triệu đồng/m2, phải bị trừ đi diện tích quy hoạch lộ giới để được cấp chủ quyền về nhà ở, đất ở. Còn hàng nghìn hộ khác không được cấp chủ quyền, phần diện tích quy hoạch lộ giới chưa bị trừ ra thì vẫn được bồi thường? Trước cửa nhà bà Hương và một số hộ dân khác có một khoảnh đất trống thuộc ranh quy hoạch lộ giới, UBND phường Bình Khánh, bất chấp luật pháp, tự tiện cho nhiều hộ dân đổ đất thuê mặt bằng làm cửa hàng kinh doanh để phường thu lợi.
UBND phường buộc các hộ này kí cam kết: Khi nào Nhà nước giải phóng mặt bằng thì tự tháo dỡ di dời và không được bồi thường. Vậy mà khi giải tỏa thu hồi đất giao cho Dự án Khu ĐTMTT thì ông Chủ tịch UBND phường Bình Khánh vẫn kí xác nhận cho tất cả các hộ này nhận tiền bồi thường với giá cao hơn giá của những căn nhà có sổ đỏ? Ngoài được hỗ trợ di dời 16,7 triệu đồng/m2 những căn nhà được UBND thành phố Hồ Chí Minh bán và cấp chủ quyền hợp pháp, nằm ở vị trí mặt tiền thì chỉ được nhận số tiền hỗ trợ di dời 16 triệu đồng/m2 (thấp hơn 700.000 đồng/m2) họ còn bị trừ đi phần diện tích quy hoạch ranh lộ giới. Còn nhà chung cư giá từ 3,5 đến 6,5 triệu đồng/m2, hộ dân nào nhận mua nhà thì tiền hỗ trợ 16 triệu đồng/m2 cũng bị mất. Hai căn nhà của gia đình ông Lê Văn Lung có tổng diện tích 1.000m2 ở số 9, mặt tiền đường Trần Não thuộc khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch chỉ bồi thường 2,35 triệu đồng/m2 trong hạn mức 200m2. Diện tích 800m2 còn lại chỉ hỗ trợ giá đất nông nghiệp. Năm 1990, ông Lung đã được chính quyền cấp chủ quyền về đất ở (giá thị trường ở con đường này khoảng 100 triệu đồng/m2).
Những khái niệm đất liền kề, đất trồng cây lâu năm… đều bị Ban Quản lí Dự án và UBND quận 2 bãi bỏ hết. Luật quy định về thẩm quyền giao đất và hạn mức giao đất, UBND quận 2 lại cho ra khái niệm, “hạn mức đất được bồi thường không quá 200m2”. Thật trớ trêu, những sai phạm của Chủ tịch UBND phường Bình Khánh là cố ý làm trái. Có lần ông Chủ tịch còn cởi áo tại trụ sở UBND phường xông vào đòi đánh dân, vò nát công văn của Văn phòng Chính phủ ném xuống đất, thách đố, chửi bới những người dân đi khiếu nại với lời lẽ vô văn hóa đã bị công luận lên án gay gắt, nhưng vẫn không bị xử lí mà còn được thăng tiến lên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 2. Gần 3.000 căn nhà nằm ngoài ranh quy hoạch khu ĐTMTT bị chính quyền quận 2 cưỡng chế trái phép, đập phá tan tành cần phải được xem xét, bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong 10 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (từ 1996 – 2006) UBND quận 2 mới có thư mời Trưởng khu phố trở lên dự họp triển khai quy hoạch tỉ lệ 1/5000 và quy hoạch chi tiết 1/2000. Trong 10 năm, UBND TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành các bước chuẩn bị đầu tiên… vừa tiến hành “phân phối, cấp phát” hàng trăm héc-ta đất cho 64 doanh nghiệp, có 28 doanh nghiệp nằm gọn trong phần diện tích 637ha đã được quy hoạch khu ĐTMTT. Khu ĐTMTT bị xé nát vì bị thiếu hụt diện tích trầm trọng.
Một “chiến dịch” tìm kế chế biến để có đất lấp đầy khu ĐTMTT. Vì đất ở khu trung tâm đã phân phát mất quá nhiều nên muốn có đủ 637ha đất cho khu trung tâm thì phải tìm cách lấy đất của khu tái định cư lấp vào, nên tự nhiên khu tái định cư biến mất. Dựa vào 3 quyết định (số 1997, số 6565 và số 6566) có nội dung trái pháp luật do ông Vũ Hùng Việt kí, ông Tất Thành Cang, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận 2; ông Nguyễn Cư và ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận 2 cùng nhiều Chủ tịch UBND các phường trong quận 2 tiến hành “chiến dịch” đập phá nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng. Gần 3.000 căn nhà nằm ngoài ranh quy hoạch và hơn 1.000 căn nhà có chủ quyền được mua hóa giá theo Nghị định 61/CP cũng bị cưỡng chế đập phá oan trái. Nhà nước phải giải ngân 38.000 tỉ đồng từ nhiều năm trước, phải chịu 150 tỉ đồng tiền lãi/tháng trong nhiều năm nay. Một số người dân bị chết oan. Hàng nghìn héc-ta đất đô thị nằm cạnh khu trung tâm thành phố lớn nhất nước bị bỏ hoang suốt 17 năm nay.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có biện pháp chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra và kiểm toán dự án này nhằm phục hồi quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, giải quyết dứt điểm các “làn sóng” khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Thiên Thanh – Hải Đăng – Tùng Lâm – Thanh Hằng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét