Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nguồn đầu tư khổng lồ của Trung Quốc khó có thể được duy trì, một loạt các dự án đầy tham vọng một thời như thành phố, khu mua sắm và công viên giải trí bị bỏ không, hoang tàn.
"Chúng ta đã nói nhiều về những thị trấn ma tại Ireland và Tây Ban Nha, nhưng Trung Quốc mới đây còn là một ví dụ hùng hồn hơn cả Ireland và Tây Ban Nha", Kevin Doran, quản lý quỹ đầu tư cấp cao tại Brown Shipley, Anh cho biết.
Đầu tư vào cơ sở vật chất chiếm phần lớn GDP của Trung Quốc, đất nước được cho là cứ mỗi hai tháng lại xây dựng được một thành Rome trong suốt một thập kỷ qua. Với lực lượng lao động đông đảo, sẽ khó hơn để hãm lại việc xây dựng khi nền kinh tế phát triển chậm lại và cung vượt quá cầu.
"Có từ 7 tới 8 triệu người tham gia vào lực lượng lao động ở Trung Quốc mỗi năm, vì vậy bạn phải cho họ việc gì đó để làm nhằm tiếp tục được sự ủng hộ của người dân", Doran cho biết.
"Có thể khoảng 10 hay 15 năm trước họ đang làm những việc tất yếu như xây dựng cơ sở điện, đường, trường, trạm, nhưng giờ họ đang ở thời điểm mà đầu tư thực sự là để đầu tư", BBC dẫn lời Doran.
Vậy thị trấn ma nào gây sởn gai ốc nhất tại Trung Quốc?
Thành phố Trình Cống, tỉnh Vân Nam
Ảnh: Những khu chung cư không người ở tại Trình Cống. Ảnh: Matteo Daminani |
Ở Trình Cống, có hơn 100.000 căn hộ mới không người ở, Holly Krambeck, thuộc World Bank cho biết. Được thiết kế như một điểm phục vụ số dân dôi ra ở Côn Minh, một thành phố 6,5 triệu dân, Trình Cống bắt đầu thành hình năm 2003.
Những chung cư cao tầng mọc lên như nấm, nhưng đến giờ hầu hết vẫn bị bỏ không bất chấp những nỗ lực thu hút cư dân mới.
Matteo Damiani, một phóng viên người Italy làm việc tại Côn Minh 7 năm, đã tới thăm và chụp ảnh Trình Cống vài lần. Trong những bức ảnh của Damiani, những khối nhà rỗng bao trùm lên những trung tâm mua sắm khổng lồ, với cư dân là các tác phẩm nghệ thuật lớn. Tại đây, anh nhìn thấy một cộng đồng nhỏ gồm học sinh, công nhân và bảo vệ, ngoài ra không có ai khác.
"Vùng ngoại ô và cả trung tâm thành phố đều trống rỗng. Bạn có thể thấy một sân vận động lớn, những trung tâm mua sắm và hàng trăm tòa nhà đã xây xong, nhưng tất cả đều bị bỏ hoang", Damiani nói và cho biết thậm chí còn có cả khu vực các biệt thự hạng sang hoàn toàn trống không.
Trình Cống được cho là một trong những thành phố ma lớn nhất châu Á.
Trung tâm thương mại New South China, thành phố Đông Hoán, tỉnh Quảng Đông
Trung tâm thương mại New South China đìu hiu. Ảnh: Matthew Niederhauser |
Danh hiệu trung tâm mua sắm ma lớn nhất thế giới, hay trống rỗng nhất thế giới, có thể thuộc về công trình khổng lồ này ở ngoại ô thành phố Đông Hoán, một thành phố 10 triệu dân.
Có thể nhiều người nghĩ trung tâm mua sắm này sẽ chật ních người, với lượng dân số lớn đến vậy, nhưng hầu hết 1.500 gian hàng đều trống trơn kể từ khi trung tâm được xây xong năm 2005.
"Đó là do hạ tầng giao thông. Thật không may vì nó được xây ở một nơi đồng không mông quạnh", một blogger chia sẻ.
Khi đài truyền hình SBS của Australia đến thăm, họ chỉ thấy duy nhất một chủ cửa hàng đồ chơi chờ đợi nhiều ngày liền để bán được một món đồ.
Các nhà thiết kế không phải là không cố gắng. Họ đã đưa vào trung tâm một dòng kênh, những cối xay gió, các bản sao của tháp chuông Campanile ở Venice, và Khải Hoàn Môn ở Paris. Trang web của trung tâm mua sắm từng cho rằng "nó sẽ là một điều kỳ diệu trong lịch sử thương mại".
"Bạn có thể thấy một vài hoạt động ở đây nhưng rất ít, nó đúng là trông như một thị trấn ma", Mathilde Teuben, một blogger ở Hà Lan từng đến thăm nơi này cho biết.
Công viên giải trí Xứ sở thần tiên, thị trấn Nam Khẩu, Xương Bình
Lâu đài bị bỏ hoang tại Nam Khẩu. Ảnh: CNNGo |
Những lâu đài kiểu Disney và những thành lũy thời Trung cổ trong công viên giải trí phía bắc Bắc Kinh được xây dựng cách đây 20 năm, hiện bị bỏ hoang. Những nông dân địa phương thậm chí còn trồng trọt giữa các tòa nhà rỗng.
Hồi cuối những năm 1990, các nhà quy hoạch hứa sẽ xây dựng một công viên giải trí lớn nhất châu Á, nhưng dự án này bị bỏ xó do tranh chấp quyền sử dụng đất.
Thực tế là nơi đây cũng thu hút những khách tham quan, các phương tiện truyền thông dẫn lời người dân địa phương cho biết. Nhưng họ không phải là loại khách tham quan các nhà đầu tư mong đợi: đó là những sinh viên mỹ thuật, những nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ đến từ Bắc Kinh, rõ ràng, đến đây để tìm một "nền văn hóa đổ nát".
Thị trấn Thames, Thượng Hải
Cô dâu chú rể chụp ảnh cưới tại thị trấn Thames. Ảnh: Flickr |
Các nhiếp ảnh gia thường đến chụp ảnh tại thị trấn kiểu Anh này, không phải để ghi lại cảnh hoang tàn, mà để chụp các cặp đôi mới cưới, với phông nền là các tòa nhà kiểu Tudor và những bốt điện thoại đỏ.
Khu ngoại ô Thượng Hải này có một lâu đài, một nhà thờ kiến trúc tân Gothic, một khu chợ, những con đường lát sỏi, một quán rượu, một cửa hàng bán cá và khoai tây (món ăn phổ biến của Anh), những ngôi nhà mang phong cách Georgia và tượng của những người Anh nổi tiếng như Wiston Churchill, James Bond và Harry Potter.
Để làm phông nền, Thames Town là một điểm hấp dẫn với ngành dịch vụ hôn lễ, nhưng nó chỉ có vậy.
"Đây thực sự là một thị trấn ma, với những cửa hiệu trống và những con đường không người qua lại", Bussiness Insider cho biết.
Tuy nhiên có lẽ không phải tất cả mọi thứ đều vô ích. Một số căn hộ đã được bán cho những người muốn đầu tư hoặc mong muốn có một căn nhà thứ hai.
Các nhà quy hoạch có thể sắp xây dựng thêm một thị trấn Anh nữa gần Bắc Kinh. Những dòng sông bị ô nhiễm dài 6,5 km, chảy qua một mảnh đất cằn cỗi rộng 400 ha sẽ được phục hồi và thiết kế để trở thành một vùng thôn quê kiểu Anh, Daily Telegraph dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết.
Quận thương mại mới Yujiapu, Thiên Tân
Quận thương mại mới Yujiapu, Thiên Tân. Ảnh: AFP |
Nếu như thị trấn Thames tại Thượng Hải là một bản nhái của làng quê Anh thì Yujiapu ở Thiên Tân lại là một bản sao còn dang dở của trung tâm tài chính Manhattan Mỹ.
Nếu các nhà quy hoạch Trung Quốc phát triển đúng hướng, có thể cái tên Yujiapu được biết đến với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế trong 10 năm nữa. Các nhà quy hoạch cho biết họ đang thiết lập nền móng cho một đặc khu tài chính lớn nhất thế giới tại thành phố cảng Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc.
Tuy nhiên, Reuters khuyến nghị rằng họ nên thu hẹp tham vọng để trở thành một "Thượng Hải tiếp theo".
Một nghiên cứu của Bloomberg cho biết để xây dựng Yujiapu, các quan chức Thiên Tân đang phải tăng khoản vay, vốn đã tương đương với ít nhất một nửa thu nhập bình quân đầu người hàng năm của thành phố 13 triệu dân này.
Trọng Giáp (theo BBC)
*** Ghi chú: Thủ Thiêm trong tương lai cũng như thế...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét